Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Trả dạy nghề cho trường nghề!

Phải bỏ chi phí lớn để đầu tư mọi mặt nhưng ngày càng thưa vắng người học nghề dài hạn, các trường nghề phải xoay xở bằng nhiều cách để tồn tại. Tuy nhiên, về lâu dài các trường đều kiến nghị các trường ĐH, CĐ phải trả việc dạy nghề cho trường nghề.

 

Việc thưa thớt người học khiến không chỉ kinh phí hoạt động các trường bị ảnh hưởng mà cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cũng trở nên dư thừa, lãng phí. Trong bối cảnh đó, các trường phải chọn cách “lấy ngắn nuôi dài”.

 

Không ít trường cho thuê mướn lại cơ sở để mở trung tâm ngoại ngữ, đặt điểm “liên kết” của các trường ĐH để có thêm kinh phí hoạt động. Hầu hết các trường đều mở rộng đào tạo nghề ngắn hạn, hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp. Theo các trường, đây là miếng phao đang cứu các trường nghề khỏi bị “chìm”.

 

Lấy ngắn nuôi dài

 

Bà Trần Thùy Trang, cán bộ phụ trách đào tạo Trường trung cấp nghề (TCN) Lê Thị Riêng, thẳng thắn nếu lấy nghề dài hạn để nuôi dài hạn thì không đủ và hiện trường đang lấy thu từ các chương trình đào tạo ngắn hạn để duy trì hoạt động của trường.

 

Do tuyển sinh ít nên giảng viên của trường được chuyển sang dạy các môn có học sinh. Chẳng hạn giáo viên dạy chế biến thực phẩm được chuyển qua dạy nấu ăn ngắn hạn. Nếu chờ tuyển đủ mới tổ chức lớp thì chỉ có “chết”. Phòng ốc trường còn dư thì cho các đơn vị bên ngoài thuê.

 

Tương tự, ông Đặng Thanh Vũ, hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao, cho biết trường đang mở rộng các ngành nghề ngắn hạn để lấy chi phí trang trải cho hoạt động. Bên cạnh việc mở rộng đào tạo nghề ngắn hạn, trường cũng phối hợp đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Đây cũng là cách để đáp ứng nhu cầu xã hội, tận dụng đội ngũ của trường cũng như hỗ trợ thêm nguồn thu cho trường.

 

Với lưu lượng đào tạo ngắn hạn nhiều gấp hàng chục lần so với đào tạo dài hạn, nhiều trường nghề đang dần xa mục tiêu chính thống của mình. Tuy nhiên, nhiều trường cho biết đành phải chấp nhận xu thế này để duy trì hoạt động trong lúc chờ sự thay đổi về quan niệm xã hội và chính sách quản lý.

 

“Không muốn cũng phải chịu chứ nếu chỉ dựa vào TCN thì trường sẽ không tồn tại được. Chỉ riêng chi phí thuê nhà mỗi tháng trên 100 triệu đồng, dựa vào học phí dài hạn lấy tiền đâu trả?” - ông Hà Kim Vọng, hiệu trưởng Trường TCN Khôi Việt, đau đáu.

 

Bên cạnh đó, để tạo cái riêng và thu hút người học, một số trường nghề cũng tìm cách vùng vẫy bằng việc chọn đào tạo tập trung vào một lĩnh vực là thế mạnh riêng của mình. Chẳng hạn, Trường CĐ nghề Việt Mỹ chọn đào tạo ngoại ngữ theo tiêu chuẩn TOEIC, Trường TCN Sài Gòn 3 tập trung cho ngành in...

 

Không đào tạo dưới cấp

 

Các giải pháp tự xoay xở để tồn tại của các trường hiện nay cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Về dài hạn, các trường đề xuất cần phải trả nghề về cho trường nghề, tạo điều kiện cho các trường nghề thực hiện tốt chức năng của mình.

 

Theo các trường nghề, nguyên nhân chính của việc người học ngày càng thưa thớt là do các trường ĐH-CĐ đào tạo nghề quá nhiều, chỉ tiêu rất lớn. Với tâm lý xã hội là chuộng trường ĐH nên các trường ĐH đã hút gần hết người học. Ông Dương Đức Lân - phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng không đâu như VN, trường cấp cao hơn được đào tạo hầu hết các hệ ở bậc thấp hơn, ĐH được đào tạo nghề.

 

Theo Luật giáo dục, điều này không sai nhưng rõ ràng như thế sẽ gây khó khăn cho trường nghề. Về vấn đề này, ông Trần Trung Lạc - phó hiệu trưởng Trường TCN Nhân Đạo - đề xuất cần có chính sách thống nhất về quản lý hệ thống, các cơ sở đào tạo theo đúng chức năng của mình, không đào tạo dưới cấp như hiện nay.

 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, phát biểu: “Tôi không đồng ý việc các trường ĐH tuyển sinh và đào tạo các hệ, TCN và CĐ nghề. Làm như vậy, chúng ta mở các hệ trường này để làm gì?”. Thạc sĩ Lâm Văn Quản, hiệu trưởng Trường CĐ kinh tế và kỹ thuật Phú Lâm, nói: “Đúng ra chức năng đào tạo của các trường ĐH là thiên về nghiên cứu. Một trường ĐH mà kiêm nhiệm đào tạo “đa hệ” như vậy tựa như một trường phổ thông mà đào tạo từ bậc mầm non đến THPT”.

 

Đồng quan điểm, ông Đặng Thanh Vũ thẳng thắn đề xuất cần phải trả CĐ, TCN về cho các trường CĐ nghề và TCN. Điều này không chỉ giúp các trường nghề thực hiện đúng và tốt hơn chức năng của mình mà còn tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề trong thời kỳ khó khăn hiện nay.

 

Trong khi đó, ông Lê Văn Kiệm, hiệu trưởng Trường TCN kỹ thuật - nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, hi vọng: Bộ GD-ĐT đang có chủ trương giảm dần chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và tiến tới không còn hệ này trong trường ĐH-CĐ. Hi vọng việc này sẽ tạo thành hiệu ứng đối với hệ nghề, đưa hệ nghề về đúng với trường nghề.

 

M.GIẢNG - T.T.QUANG

17/11/2011 – tuoitre.vn

 

Kết hợp học văn hóa với học nghề

Theo ông Đặng Thanh Vũ, để các trường nghề thu hút học sinh cần phối hợp định hướng nghề nghiệp ngay từ các bậc học cơ sở, hướng nghiệp và phân luồng việc học nghề một cách triệt để và sâu sắc hơn ở các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Kết hợp học văn hóa với học nghề thông qua việc đào tạo song hành, học văn bằng đôi, đào tạo nhiều giai đoạn: các lớp ngắn hạn, dài hạn hoặc các lớp chuyên đề mà học sinh trung học đều thích học và có thể học tốt. Khi kết thúc các chương trình học văn hóa, học sinh cùng lúc có thể nhận hai văn bằng: bằng tốt nghiệp THCS, THPT kèm với 1-2 chứng chỉ nghề nào đó hoặc nếu đủ điều kiện thì có thể nhận bằng TCN chính quy. Từ đây, họ có thể học liên thông CĐ-ĐH hoặc rẽ vào các trường nghề để tiếp tục hoàn tất các văn bằng nghề dài hạn hoặc sớm trở thành nguồn lao động đáp ứng nhu cầu cho xã hội.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]