Thực hiện đúng quy chế tuyển sinh đầu vào đào tạo liên thông.
21/08/2013
Nhằm chấn chỉnh hoạt động và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 Bộ GD&ĐT quy định thí sinh học trung cấp, CĐ muốn học liên thông lên CĐ, ĐH nhưng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào cùng với các thí sinh dự thi ĐH Đến nay, kết quả thi ĐH, CĐ đã được công bố, nhìn vào điểm thi của những thí sinh trong diện liên thông, mới thấy để đảm bảo chất lượng đào tạo của loại hình này thì quy định trên là cần thiết.
Đường vòng lên đại học
Xuất phát điểm mục đích của Đào tạo liên thông nhằm giúp người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở trình độ cao hơn cùng ngành đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo hay trình độ đào tạo khác, và cũng là để tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Tuy nhiên, vẫn với mục đích đó, nhưng nhiều nhà trường đã lạm dụng việc này, mở tràn lan các lớp liên thông không phải cho những người đã đi làm, mà chủ yếu là học sinh tốt nghiệp phổ thông thi trượt ĐH. Thực tế là nhiều người coi đây là cách thức hiệu quả nhất để đi vòng lấy bằng đại học khi mình không đủ năng lực dự kỳ thi chung tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định việc thí sinh học trung cấp, CĐ muốn học liên thông lên CĐ, ĐH nhưng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đầu vào cùng với các thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Quy định này của Bộ GD&ĐT không ngoài mục đích đảm bảo chất lượng và chấn chỉnh loại hình đào tạo này.
Chất lượng ra sao?
Trước ngày các trường công bố điểm thi thì lãnh đạo nhiều trường đã phải thừa nhận một điều là thi chung như vậy, điểm thi của thí sinh liên thông sẽ khá thấp. Học viện Bưu chính Viễn thông năm nay có hơn 400 thí sinh thi liên thông. Ông Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện, cho biết những thí sinh này có điểm thi thấp hơn điểm thi của học sinh phổ thông nhiều. Còn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm nay có tới trên 3.000 thí sinh thi liên thông cả từ trung cấp thi liên thông lên CĐ và CĐ thi liên thông lên ĐH. Điểm chuẩn thấp, số trượt nhiều là điều khó tránh khỏi.
Ở phía Nam, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh có 291 thí sinh dự thi liên thông và kết quả chỉ có 45 thí sinh đạt điểm sàn. Cũng như vậy Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh trong số 483 thí sinh dự thi liên thông ĐH, chỉ có 31 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên. Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh với 277 thí sinh dự thi thì cũng chỉ có 56 thí sinh đạt điểm từ 13 trở lên. Còn Đại học Cần Thơ cũng chỉ có 51 thí sinh đạt điểm sàn/292 thí sinh dự thi.
Cũng có những ý kiến phản hồi vì để thí sinh liên thông dự thi chung với thí sinh mới tốt nghiệp phổ thông, điểm thi thấp là điều khó tránh khỏi và kiến nghị xây dựng điểm chuẩn riêng dành cho người học liên thông, song song với một điểm chuẩn được đưa ra. Thực tế đã minh chứng rõ điều đó, rất nhiều thí sinh có tổng điểm thấp hơn điểm sàn. Đây là điều mà những thí sinh này chấp nhận vì thay bằng phải đi làm để 36 tháng sau đủ điều kiện tham dự kỳ thi liên thông theo đúng quy định (dự thi 3 môn gồm: một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành), họ đã chấp nhận thi tuyển sinh ĐH, CĐ và tham dự kỳ thi “3 chung” thì phải theo quy chế.
Người trong cuộc nói gì?
Không ít lãnh đạo trường (đã về hưu) tâm sự, chất lượng đào tạo liên thông như thời gian qua cũng không khác gì vừa học vừa làm, đây là cách thức hiệu quả để giúp học sinh có lực học vừa phải có được tấm bằng đại học. Thế nên việc quy định thí sinh không đủ 36 tháng công tác muốn học liên thông phải thi cùng với học sinh phổ thông là việc làm cần thiết vì có thế mới đảm bảo chất lượng đầu vào. Và cũng ngăn chặn không để đào tạo liên thông là “đường vòng” nhưng lại “ngắn” cho những học sinh có lực học vừa phải nhưng vẫn muốn nhanh chóng có bằng ĐH.
Dù muốn hay không thì xã hội cũng phải thừa nhận một điều thí sinh dự thi liên thông chất lượng kém hơn học sinh phổ thông. Thực tế là những thí sinh này phần lớn đã từng qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhưng đã trượt, nay lại thêm 2 năm học trong các trường chuyên nghiệp, CĐ, kiến thức phổ thông rơi rụng nhiều, nếu không ý thức ôn luyện thì khó có thể làm bài tốt như học sinh phổ thông vừa tốt nghiệp. Chính vì thế, để tạo điều kiện cho thí sinh liên thông, Bộ GD&ĐT đã cho phép các trường xây dựng điểm chuẩn riêng cho thí sinh liên thông với mức điểm chuẩn không được thấp hơn điểm sàn tương đương cho hệ ĐH, CĐ.
Thẳng thắn thừa nhận điều này, ông Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho rằng: Sẽ rất ít thí sinh thi liên thông có thể đạt điểm sàn. Cách đây 3 năm, các em vừa học xong chương trình phổ thông, được ôn luyện, chuẩn bị kỹ càng mà thi còn không đỗ thì việc sau ba năm lại thi đỗ là điều rất khó. Kết quả thi tại Học viện Bưu chính Viễn thông cũng cho thấy điều đó. Ưu tiên điểm chuẩn riêng cho thí sinh liên thông là hợp lý, nhưng vấn đề là các em liệu có đạt trên điểm sàn hay không?
Không thể phủ nhận rằng đào tạo liên thông đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các nhà trường. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận cách làm này một cách khách quan, vì thực tế thời gian qua, mục đích của đào tạo liên thông là giúp người học, đã đi làm có điều kiện nâng cao trình độ, mở lối cho hướng nghiệp sau THCS và THPT, nhưng cuối cùng lại chỉ giúp cho học sinh phổ thông thi trượt ĐH, đi đường vòng lấy bằng ĐH.
Không chặn đường cho những học sinh đang theo học liên thông, nhưng muốn thi ngay phải chấp nhận dự thi ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CD. Giao cho các trường xây dựng điểm chuẩn tuyển sinh riêng, nhưng quy định điểm trúng tuyển không dưới điểm sàn – Quy định này của Bộ GD&ĐT được xã hội đồng tình hưởng ứng, vì như vậy không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực mà còn góp phần chấn chỉnh hoạt động đào tạo này.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Thí sinh dự thi liên thông năm nay điểm chuẩn đầu vào sẽ do hiệu trưởng của trường quyết định. Điểm chuẩn này có thể bằng với điểm chuẩn tuyển sinh như các thí sinh khác hoặc có thể có điểm chuẩn riêng cho hệ liên thông. Tuy nhiên, do quy định bắt buộc thí sinh khi đã dự thi “ba chung” vẫn phải tuân thủ việc xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT nên dù các trường được quyền đưa ra điểm chuẩn riêng cho thí sinh hệ liên thông thì mức điểm này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc là tối thiểu bằng điểm sàn.
|
Dĩ Hạ
Nguồn: gdtd.vn