Thi riêng không được dùng kết quả 3 chung, vì sao?
25/12/2013
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, tại Hội nghị tổng kết năm học dành cho các trường ĐH, CĐ, sẽ được tổ chức ngày 28/12, có ba vấn đề được đem ra bàn thảo: thực hiện nghị quyết Hội nghị T.Ư 8, tổng kết năm học 2012-2013 và bàn về những điểm mới được thay đổi trong quy chế tuyển sinh.
Một trong những nét đổi mới nổi bật của quy chế tuyển sinh là trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ. Ông Ga cho biết, đa số ý kiến đồng tình với việc các trường muốn tự chủ tuyển sinh phải trình được phương án tuyển sinh và nhận được sự đồng tình của xã hội; các trường thi riêng không được sử dụng kết quả ba chung để tuyển sinh...
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ tuyển sinh mà còn yêu cầu trường trình phương án tuyển sinh và quy định những tiểu tiết hết sức vụn vặt như: Đề thi thế nào, rọc phách ra sao, thì sao gọi là trao quyền tự chủ?
Mở cửa, trao quyền thì đúng nhưng vẫn phải có những quy định để các trường thực hiện. Nếu mở đến mức không cần đề án tuyển sinh thì cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT lấy gì để giám sát? Đề án tuyển sinh riêng được coi là tiểu quy chế của trường để làm căn cứ kiểm tra, giám sát thực hiện. Nếu không quy định cụ thể, các trường tùy tiện lấy điểm từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu thì lấy gì để đảm bảo chất lượng; hoặc, có trường không thi thì lấy căn cứ nào để tuyển người học...
Vì sao thi riêng không được sử dụng kết quả ba chung?
3 năm nữa, ba chung cũng kết thúc. Các trường phải thi hoặc xét tuyển để tuyển người có đủ năng lực vào học; không thi, không có tiêu chí, nhà trường sẽ lấy căn cứ gì để tuyển. Và những việc như thế phải được quy định rõ ràng từ bây giờ.
Có ý kiến cho rằng, phương án với nhiều ràng buộc của Bộ, đến giờ phút này, không ai chọn. Cửa mở mà chim không bay ra chứng tỏ có nhiều rủi ro rình rập bên ngoài. Vậy phương án đó có vấn đề?
Các trường cần thời gian để chuẩn bị và có một số trường sẽ tuyển sinh cục bộ một số ngành để thí điểm. Thời gian ba năm là để các trường kịp nghiên cứu, học sinh kịp chuẩn bị. Sự thay đổi lớn trong tuyển sinh, trong cách dạy và học mới sẽ đòi hỏi cách kiểm tra khác, chứ không thi theo khối nữa và đòi hỏi phải có hình thức kiểm tra khác phù hợp hơn. Đó chính là lý do đa số các trường chưa vội vàng.
Ông có thể phác thảo hình thức thi cử sau 3 năm tới?
Hình thức kiểm tra thay đổi như đã nói ở trên. Bộ GD&ĐT sẽ quy định lịch thi trong năm học, có những đợt thi khác nhau để các trường chọn thi vào từng đợt, nếu để các trường thi quanh năm thì xã hội sẽ không chịu nổi.
Hiện nay, theo ba chung đang có 3 đợt thi (2 đợt cho ĐH và 1 đợt cho CĐ). Thi vào mấy đợt trong năm thì sẽ được các trường bàn bạc trong hội nghị ngày 28/12 tới đây, nhưng, nhìn chung, việc thi cử sẽ không được gây khó khăn cho học sinh và không gây phức tạp cho xã hội.
Hồ Thu
Nguồn: tienphong.vn