Thi Giáo dục công dân: liên hệ thực tế để được điểm cao
02/06/2018
Để có tâm lý vững vàng và hành trang kiến thức tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới, ở môn Giáo dục công dân, thí sinh có thể tham khảo những chia sẻ dưới đây.
* Cách học tốt môn Giáo dục công dân (GDCD):
- Đọc hiểu sách giáo khoa trước khi đến lớp và tham khảo thêm sau khi học xong bài.
- Ở lớp chú ý nghe giảng, tích cực tham gia xây dựng bài bằng cách phát biểu, đóng góp ý kiến.
- Tham gia giải quyết những tình huống do thầy cô nêu ra trong giờ học giúp mau nhớ bài và có thêm vốn hiểu biết để làm các câu hỏi vận dụng.
- Tham khảo thêm sách, báo, tư liệu không chỉ về kiến thức pháp luật của chương trình GDCD 12 mà cả những kiến thức kinh tế, chính trị - xã hội của chương trình GDCD 11. Nếu có vướng mắc thì nhờ thầy cô tư vấn thêm.
* Cách ôn tập hiệu quả cho kỳ thi:
- Nắm chắc kiến thức cơ bản vì cấu trúc đề thi phần này chiếm tỉ lệ đến 60%.
- Sắp xếp thời gian ôn thi, nghỉ ngơi và thư giãn một cách khoa học, hợp lý.
- Đọc kỹ sách giáo khoa (phát hành năm gần nhất, có cập nhật những điều luật trong Hiến pháp 2013) bao gồm: nội dung bài học cùng phần tài liệu tham khảo của mỗi bài. Vận dụng kỹ năng khai thác, xử lý thông tin từ sách giáo khoa nhằm khái quát, hệ thống hóa kiến thức.
- Tìm hiểu, chọn lọc các thông tin qua báo, đài, mạng Internet để có vốn hiểu biết, trả lời tốt các câu hỏi tình huống, liên hệ thực tế.
- Vở ôn tập nên có phần tự ghi chép những điều tai nghe, mắt thấy, những điều rút ra trong cuộc sống xung quanh có liên quan tới nội dung học, có hệ thống sơ đồ tư duy bài học cùng những lời dặn, lưu ý của thầy cô lúc ôn tập.
* Cách vững tin khi làm bài thi trắc nghiệm môn GDCD:
- Đọc và phân tích câu hỏi, tránh nhận định sai câu hỏi, dẫn đến chọn sai câu trả lời.
- Đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó nên thí sinh cứ bình tĩnh làm lần lượt từ câu 1 đến câu 40.
- Đề gồm các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Với những câu nhận biết: cố gắng làm nhanh nhưng cẩn thận (khoảng 1 phút), dành thời gian hơn cho các câu thông hiểu, vận dụng (khoảng 2 đến 3 phút).
- Đọc kỹ đề dẫn, xem xét từng phương án để loại trừ từng phương án sai. Do đáp án không chia đều về số lượng các phương án A, B, C, D nên việc chỉ tô 1 phương án (ví dụ: tô đáp án A hết hoặc D hết) hay tô đáp án ngẫu nhiên là rất không nên. Thí sinh cần cố gắng hết khả năng để tìm ra đáp án đúng, không nên bỏ xót câu nào trước khi hết giờ làm bài.
- Rà soát lại sau khi làm xong hoặc còn 10 phút trước khi có hiệu lệnh nộp bài để kịp thời điều chỉnh sao cho tốt nhất.
* Một số lỗi cần tránh khi làm bài thi GDCD:
- Mất bình tĩnh do áp lực phòng thi.
- Đọc không kỹ đề bài, thiếu cân nhắc, chủ quan khi làm bài.
- Nhầm lẫn do không nhớ rõ các khái niệm, các nội dung cơ bản. Chẳng hạn: nhầm lẫn những khái niệm về các loại vi phạm pháp luật; còn mơ hồ kiến thức về các hình thức thực hiện pháp luật (sử dụng pháp luật, thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luật)… dẫn đến không tìm được đâu là đáp án đúng nhất.
- Phân bổ thời gian không hợp lý do quá sa đà vào câu khó, làm mất thời gian của các câu khác.
- Không làm hết số câu trong đề, tô mờ, tô sót hoặc tô 2 ô, tẩy không sạch câu bỏ.
Đây là năm thứ 2 môn GDCD là môn thi THPT quốc gia, tham khảo đề thi năm trước cho thấy đề ra rất bám sát chương trình, có liên hệ thực tế. Lẽ đương nhiên đề GDCD năm nay cũng sẽ như thế. Vượt qua kỳ thi sẽ không quá khó đối với những học sinh chăm chỉ, hiểu bài, biết cách ôn tập một cách hiệu quả.
Thạc sĩ VŨ THỊ BÍCH THÚY (tổ trưởng chuyên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.vn