Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Tăng học phí đại học, cao đẳng: Thêm gánh nặng cho sinh viên

14/10/2015

Để có thể theo đuổi ước mơ, những sinh viên đến từ các miền quê nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn… đều hăng say học tập, quyết tâm vươn lên bằng chính khả năng của mình. Thế nhưng với việc học phí tăng bình quân 10% những lo lắng về chi phí học tập lại đè nặng lên nhiều sinh viên.

Sinh viên thêm lo

Nghị định 86/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, học phí tất cả các cấp học đều tăng trong năm học 2015 - 2016, và sẽ được điều chỉnh tăng dần theo chỉ số giá tiêu dùng cho đến năm học 2020 - 2021. Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Với mỗi năm học kéo dài 10 tháng, mỗi sinh viên sẽ đóng 6-8,8 triệu đồng. Đặc biệt, đáng chú ý là đối với các trường tự chủ được về mặt tài chính, học phí đối với một số nhóm ngành nghề sẽ tăng mạnh như đối với nhóm ngành kinh tế, y dược. Theo đó, mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015-2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm. Như vậy, mức tăng học phí nhóm ngành kinh tế cao gấp 3 lần, nhóm ngành y dược tăng gấp 5 lần so với hiện nay.

Vẫn biết những nhóm ngành kinh tế, công nghệ, y dược, nông lâm, thủy sản... là những ngành đặc thù đòi hỏi các trường ĐH phải trang bị đầy đủ các thiết bị, vật tư hiện đại cho sinh viên thực hành, thí nghiệm. Khấu hao của máy móc, trang thiết bị, phòng thí nghiệm sau mỗi giờ thực hành, thực tập của sinh viên là rất lớn nên để nâng cao chất lượng đào tạo thì việc tăng học phí là đương nhiên. Thế nhưng, có sự bất cập là nếu một sinh viên đỗ vào một trường kinh tế, nếu tính cả tiền học phí (theo khung giá mới) và chi phí ăn, ở, sinh hoạt vẫn tăng đều theo hàng năm thì chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên nghèo không đủ điều kiện để chi trả được trong suốt thời gian học hoặc không thể học được ĐH.

“Ngay từ đầu năm học mới, chúng em đã nghe được thông tin tăng học phí, đợt vừa rồi nhà trường vẫn thu phí kì I theo mức cũ, chưa thấy thông báo gì thêm. Theo em được biết, với chuyên ngành kinh tế, nếu có tăng học phí cũng chỉ khoảng 50 nghìn đồng so với mức cũ, nên em không cho rằng sinh viên bị ảnh hưởng quá nhiều” sinh viên Nguyễn Thu Hương, Trường ĐH Công đoàn, chia sẻ. Tuy nhiên, cũng là sinh viên khối ngành kinh tế, nhưng cô sinh viên năm nhất Nguyễn Phương Thảo lại tỏ ra khá lo lắng. “Năm nay em mới là sinh viên năm thứ nhất. Nếu hàng năm trường tăng học phí 10% thì tới năm thứ tư em phải đóng hơn 800 nghìn đồng/ tháng, em cũng thấy lo. Đây là số tiền không nhỏ với gia đình làm nông nghiệp như gia đình em. Em sẽ tìm hiểu thêm thủ tục xin vay vốn tín dụng sinh viên và có lẽ phải tìm cả công việc làm thêm để phần nào đỡ gánh nặng cho bố mẹ”, Thảo nói.

Thực tế, để giúp đỡ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường ĐH cũng tổ chức các hoạt động giúp đỡ sinh viên. Hàng năm Trường ĐH Kinh tế quốc dân đều thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ việc làm cho sinh viên, liên hệ với các doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng để giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận việc làm. Hay nay Trung tâm hỗ trợ sinh viên (ĐH Quốc gia Hà Nội) ngoài việc giành các suất học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, hằng năm cũng tổ chức chương trình ngày hội việc làm thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia. Được biết, trong năm 2014 trung tâm cũng đã giúp đỡ hơn 70 sinh viên tìm kiếm được việc làm, phần nào giúp sinh viên vừa trải nghiệm thực tế vừa giảm bớt khó khăn trong trang trải học tập. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi khi bước vào năm học mới vẫn có hàng chục nghìn sinh viên nhọc nhằn, vất vả trên con đường hoàn thành tấm bằng ĐH.

Nên tăng ở mức vừa phải

Hiện nay, xu thế các trường ĐH tự chủ về mặt tài chính chính là xu thế chung, điều này được gói gọn trong 7 từ, đó là “giá cả đi liền với chất lượng”, chỉ khi đảm bảo đủ về mặt chất lượng như đã cam kết, mức học phí lúc này mới được điều chỉnh. Giải thích rõ hơn về lần điều chỉnh học phí này, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm xây dựng học phí đối với giáo dục đại học chia làm 2 nhóm trường. Thứ nhất, đối với các cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ), học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo, cụ thể đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Thứ hai, đối các cơ sở giáo dục đại học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị chưa tự chủ), mức thu học phí tăng dần hàng năm khoảng 10%, do vậy khả năng bù đắp chi phí đào tạo còn thấp, tính trung bình đến năm học 2019-2020 mức học phí mới đáp ứng được một phần chi phí đào tạo, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp phát.

Thực tế, nhiều chuyên gia đánh giá, nhu cầu xã hội khác nhau, bên cạnh giáo dục đại trà với mức học phí phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo người dân, cần đáp ứng nhu cầu của những người sẵn sàng đóng góp nhiều hơn để được nhận một dịch vụ cao hơn trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, với hoàn cảnh kinh tế chung của người dân hiện nay, nếu có tăng thì cũng chỉ nên tăng ở mức vừa phải, không thể tăng lên một lúc gấp vài ba lần. Cụ thể, việc tăng học phí phải được cân nhắc từ 2 phía. Thứ nhất, làm sao cho phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng nhu cầu học tập của giới trẻ. Thứ hai, học phí cũng phải tạo điều kiện, để cùng với kinh phí nhà nước đủ cho các trường ĐH bảo đảm chất lượng. Điều này là không dễ làm trong ngày một ngày hai, cần có thời gian để lên kế hoạch, triển khai và đánh giá, không phải cứ tăng học phí là tốt. Nhà trường cũng cần có những bước cải tiến như, giảm số sinh viên trong một lớp, tăng cường chất lượng giảng viên, đầu tư thêm trang thiết bị giảng dạy.

“Học phí chỉ là một nguồn thu của cơ sở giáo dục, trên thực tế những năm trước đây và cho đến hiện nay, về cơ bản nhà nước vẫn đảm bảo hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoạt động giáo dục, giảng dạy của các cơ sở giáo dục được diễn ra bình thường, đảm bảo chất lượng.” ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng, Vụ KH&TC, Bộ GD&ĐT.

Anh Tuấn
(laodongthudo.vn)

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]