TP.HCM: Thi vào lớp 10 học sinh “đua” nước rút
04/06/2016
Chỉ còn 10 ngày nữa, khoảng 80.000 học sinh (HS) tại TP. HCM, chính thức thi tuyển chọn vào lớp 10 công lập. Cường độ ôn luyện căng dần ở giai đoạn nước rút, HS đang bạc mặt ở các lớp luyện thi vào lớp 10.
Chuẩn bị ba năm, thi hai ngày
Vừa thi xong học kỳ II ở trường, em Thanh Hoa, HS lớp 9 ở Q.Tân Bình liền tập trung toàn lực ôn ba môn toán, văn, tiếng Anh tại trường THCS lẫn học thêm tại nhà giáo viên. Lịch học của Hoa những ngày nghỉ hè này còn căng hơn cả ngày thường. “Mỗi tuần em học sáu buổi tại trường chia đều ba môn. Ngoài ra, em phải ôn tăng cường cũng ba môn này tại nhà giáo viên bộ môn nên trừ thứ Bảy và Chủ nhật thì những ngày còn lại đều phải 20g30 mới học xong ở nhà cô. Em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có điểm chuẩn cao nên phải chuẩn bị thật tốt. Hơn nữa, tỷ lệ cạnh tranh vào các trường trong Q.Tân Bình năm nay rất cao nên phải cố gắng”, Hoa cho biết.
Nhiều phụ huynh đã chuẩn bị cho con những khóa ôn tập dài hơi. Chị Phan Thị Hồng Ngọc (Q.3) cho biết, muốn con vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nên ngay từ cuối năm học lớp 7, chị đã cho con học ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng đều đặn ba môn toán, văn, tiếng Anh. Những ngày này, lớp ôn tập ở trường lẫn ở trung tâm bồi dưỡng đều tăng tốc nên ngày nào con chị cũng phải làm bài tập, giải đề, thi thử liên tục…
Phụ huynh, HS và giáo viên đều tin rằng nếu không ôn luyện kỹ thì khó “chọi” lại các đối thủ trong cuộc đua căng thẳng vào lớp 10. Vì vậy, hầu hết trường THCS ở TP đều mở lớp luyện thi vào lớp 10 dành cho HS lớp 9. Phụ huynh nhắm cho con vào các trường top đầu, trường chuyên chưa an tâm với khóa ôn thi tại trường còn tăng cường các “cua” ôn thi với gia sư, ôn tại nhà giáo viên bộ môn hoặc trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Vào những ngày nước rút, thầy cô tăng tốc “gạo” bài, HS bạc mặt với bài tập, phụ huynh căng thẳng không kém.
Đề thi tăng tính ứng dụng, hết thời luyện "tù"
HS ra sức ôn luyện cấp tập đến sát ngày thi, trong khi đó, đề thi năm nay dự đoán sẽ có những cải cách mạnh mẽ. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi lớp 10 sẽ đổi mới ở môn văn và môn toán. Ở môn văn, đề hướng đến đánh giá năng lực HS với hai phần: phần đọc - hiểu gồm những câu hỏi theo mức độ tư duy, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao; phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, đề thi tăng cường các câu hỏi mở, gắn với những vấn đề thời sự, gia đình và xã hội, những vấn đề gần gũi với lứa tuổi để các em bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Tương tự, đề thi môn toán cũng có một số câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để vận dụng kiến thức, chứ không phải là những bài toán máy móc, hàn lâm.
Với cách ra đề này, nếu HS chỉ luyện thi theo kiểu thuộc lòng, học vẹt, học tủ mà không có kỹ năng làm bài, không biết vận dụng kiến thức thì rất dễ “sập tủ”. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân nhận định: “Đề tuyển sinh lớp 10 môn văn gần đây bớt nặng nề nên HS không phải học bài quá nhiều và hạn chế việc học tủ. Những năm trước, điểm của câu nghị luận văn học rất lớn trong tổng điểm của đề thi và đề ra theo hướng thuộc bài sẽ đạt điểm cao. Nhưng xu hướng ra đề hiện nay chú trọng kỹ năng cảm nhận, đọc hiểu.
Câu nghị luận xã hội gần gũi với HS, câu nghị luận văn học yêu cầu HS phải hiểu sâu, có sự khái quát nên các em không thể học tủ. Các em phải hiểu mới có thể so sánh, đối chiếu hoặc đưa ra nhận định vấn đề xã hội. Đề ra theo hướng mở, phần đọc hiểu không còn kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà đòi hỏi người học phải hiểu, có kiến thức và kỹ năng làm bài”.
Mặt khác, theo hướng dẫn của Sở về ôn tập vào lớp 10 môn toán sẽ giảm nhẹ những bài toán khó, thay vào đó là các bài toán thực tiễn. Lâu nay, đề thi thường theo dạng tính vận tốc, quãng đường, thời gian... khá cứng nhắc, thì nay các bài toán gắn liền với cuộc sống như tính lãi suất ngân hàng, tiền điện, tiền nước, cước taxi… sẽ được đưa vào đề thi. Đứng trước những đổi mới ở đề thi tuyển sinh, giáo viên toán ở nhiều trường THCS đề xuất Sở nên ra đề đơn giản ở các câu vận dụng thực tế. Đổi mới cần có thời gian để giáo viên và HS thích nghi.
Mách nước cho HS ôn tập giai đoạn cuối, thầy Đức Anh khuyến cáo: “Môn văn không thể chạy nước rút, các em không nên lệ thuộc nhiều vào trung tâm luyện thi hay văn mẫu mà điểm mấu chốt nằm ở sự cảm nhận nên cần trải qua quá trình tích lũy, nghiền ngẫm. Đề thi và cách chấm đang theo hướng mở, các em nên có cảm nhận cá nhân ở từng tác phẩm.
Với mỗi dàn bài mà giáo viên đưa ra, các em phải tự cảm nhận chứ không phải từ cái nhìn của thầy cô hay sách tham khảo. Đừng học thuộc lòng nguyên dàn bài, nên học theo kiểu ghi nhớ bằng cách phác thảo ra sơ đồ, nắm các ý và tự phát triển các ý theo diễn đạt và văn phong của mình để đạt kết quả thực chất”.
Gia Tuệ (phunuonline.com.vn – 04/06/2016)