Rục rịch phương án tuyển sinh đại học 2024
26/09/2023
Hiện một số cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu công bố phương án xét tuyển 2024 với thời gian sớm nhất bắt đầu từ tháng 12/2023.
Một trong những cơ sở thông báo sớm nhất về lịch tuyển sinh là Đại học Quốc gia Hà Nội với 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023. Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6.
Lịch này có thể thay đổi căn cứ theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, các đợt thi đều diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật.
Về địa điểm, kỳ thi năm tới diễn ra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lệ phí dự thi Đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học quốc gia Hà Nội là 500.000 đồng/lượt.
Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức công bố lịch 6 đợt thi Đánh giá tư duy năm 2024 (TSA), tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn kết quả tốt nhất trong công tác xét tuyển.
Thí sinh tham gia Kỳ thi Đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.
Thời gian tổ chức thi TSA dự kiến diễn ra vào các ngày Thứ Bảy/Chủ Nhật: Đợt 1: Ngày 2 - 3/12/2023; Đợt 2: Ngày 20 - 21/1/2024; Đợt 3: Ngày 9 - 10/3/2024; Đợt 4: Ngày 27 - 28/4/2024; Đợt 5: Ngày 8 - 9/6/2024; Đợt 6: Ngày 15 - 16/6/2024.
Địa điểm thi: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…Nội dung và hình thức thi giữ nguyên như năm 2023.
Về nội dung và hình thức thi được giữ nguyên như năm 2023. Cụ thể, bài thi TSA gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với 3 mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).
Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.
Khác với các kỳ thi khác, kỳ thi TSA không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Ở mùa tuyển sinh năm 2023, kỳ thi TSA được đánh giá có nhiều điểm thuận lợi cho quá trình làm bài thi của thí sinh. Bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ (thời lượng 150 phút) và tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.
Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi TSA được mở rộng, bao gồm Khoa học công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, tài chính, Ngân hàng, Y dược.
Được biết, thí sinh tham gia kỳ thi TSA sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH chấp nhận kết quả này.
Thống kê cho thấy, năm 2023 có 32 trường đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển năm 2023.
Thời điểm này, một số trường đã công bố định hướng về phương thức tuyển sinh năm 2024. Đây là căn cứ quan trọng để thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm tới chủ động có phương án phù hợp nhất.
Được biết, năm 2023, trên toàn quốc tỷ lệ số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT; năm 2022 tỷ lệ này là 61,34%.
Tuy các tỷ lệ trên thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo thống kê, trong kỳ tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022).
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mùa tuyển sinh đại học năm 2023 được giữ ổn định như năm 2022 với nhiều cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến 100. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng đáng kể với gần 3,4 triệu nguyện vọng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thừa nhận, năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.
Thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Đồng thời, các đơn vị cũng định hướng công tác tuyển sinh năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài tuyển sinh, năm 2022 trong hoạt động giáo dục đại học, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thực tế là nhiều trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo.
Hội đồng trường chưa kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu.
Nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính; vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.
Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo;
Chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...
Một số cơ sở giáo dục cũng chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ.
Đặc biệt, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.
Từ thực tế công tác tuyển sinh năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường.
D.Ngân
https://baodautu.vn/ruc-rich-phuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-2024-d199361.html