Nỗi lòng trường ngoài công lập
02/08/2012
Viễn cảnh đóng cửa vì không tuyển được sinh viên đang là nỗi lo thường trực trong vài năm tới của một số trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam, nếu những gì đang diễn ra không được thay đổi.
Đứa con vô thừa nhận
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bội Khuê, Trưởng khoa Điện - Điện tử Đại học Bình Dương, như đang ngồi trên lửa khi mà đến nay khoa ông chỉ mới tuyển được bốn sinh viên. Năm ngoái, con số này là 50, chỉ bằng một phần ba chỉ tiêu, nhưng cũng tạm đủ để duy trì lớp học, hy vọng vào năm sau. Nhưng năm nay, chỉ với bốn hồ sơ, dĩ nhiên ông không thể mở lớp, đồng nghĩa với việc không thể duy trì ngành học.
Trường hợp khó khăn của khoa Điện - Điện tử, Đại học Bình Dương không phải là duy nhất trong bối cảnh hiện nay. Các khoa khác ở Đại học Bình Dương cũng cùng cảnh ngộ. Ngành học thu hút nhất là Quản trị kinh doanh đến nay cũng chỉ nhận được 37 hồ sơ. Năm ngoái, theo ông Khuê, ở Bình Dương mới chỉ có trường của ông, năm nay đã có đến sáu trường, và cùng vào cuộc săn đón sinh viên. Bi kịch ở chỗ là trong khi “đói” sinh viên và phải làm đủ mọi cách để thu hút, nhiều trường đành ngậm ngùi từ chối, trả hồ sơ cho thí sinh vì số lượng không đủ để duy trì lớp học.
Không chỉ ở Bình Dương, hầu như trên khắp cả nước, tình hình cũng rất đáng báo động. Đại học Tân Tạo ở Long An chỉ tuyển được chưa đầy 30 sinh viên, Đại học Phan Chu Trinh ở Quảng Nam coi như “mất trắng” khi phải trả lại toàn bộ hồ sơ do số lượng quá ít. Một số trường như Đại học Văn Hiến ở TPHCM, Đông Đô ở Hà Nội hay Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM, tình cảnh còn bi đát hơn vì bị đình chỉ tuyển sinh. Một số trường khác cũng nhận được lời cảnh báo tương tự. Không có người học, đồng nghĩa với nguồn thu của các trường bị giảm, và những hệ lụy khác lần lượt sẽ đến.
Sự nở rộ các trường đại học trong thời gian qua, nhất là sự lên đời đại học của một số trường trung cấp, cao đẳng địa phương cùng với các chính sách bất bình đẳng trong quản lý đang là những nguyên nhân chính khiến đại học tư không thể phát triển. Các trường công đang bành trướng bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Hết chỉ tiêu, trường lại mở thêm hệ ngoài ngân sách hay liên kết, bên cạnh hệ cao đẳng và trung cấp, chỉ với mục tiêu là “vét” được càng nhiều thí sinh càng tốt. Lựa chọn đầu tiên của các thí sinh vẫn là trường công, vì mức học phí rẻ và tấm bằng ít nhiều được tin tưởng. Học phí trường công chỉ ở mức 4-8 triệu đồng/năm, trong khi ở các trường tư, rẻ thì cũng 7-8 triệu đồng/năm, nhiều có thể lên tới 90 triệu đồng/năm.
Năm 2012, trong số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi đại học, chỉ khoảng một phần ba trong số đó đạt điểm sàn, điểm số tối thiểu để vào đại học. Phần lớn trong số này đều chọn trường công, cả ở các thành phố lớn lẫn địa phương, còn một phần nhỏ trong số “lọt sàng xuống nia” đó chia đều cho các trường ngoài công lập. Tất yếu là dẫn đến một cuộc cạnh tranh quyết liệt, với đủ các chiêu khuyến mãi, giảm học phí, tặng học bổng, phí môi giới... chỉ nhằm thu hút người học.
Không ít người trong cuộc đã phải thốt lên “chưa bao giờ việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập lại khó khăn như hiện nay”. Trước nguy cơ đóng cửa, một số trường đã “làm liều” bằng cách tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện. Lý lẽ mà họ đưa ra là thà chịu phạt để tồn tại, còn hơn phải đóng cửa, tức đồng nghĩa với việc mất hết vốn liếng. Điều này lại càng làm cho định kiến của xã hội về các trường ngoài công lập trở nên xấu hơn
Sự bất cập của chính sách
Đóng cửa ngành, đóng cửa trường là những từ mà không ít người chua chát nói về các đại học ngoài công lập, vốn được ví như đứa con vô thừa nhận, để so với các đại học công, là “con đẻ” của Nhà nước. Một trong những lý do của việc tuyển sinh năm nay khó hơn các năm trước là quy chế tuyển sinh mới. Quy chế này cho phép các trường công được mặc sức chiêu mộ sinh viên bằng điểm sàn và cũng cho phép một sinh viên có quyền đăng ký nguyện vọng vào nhiều trường (không giới hạn), dẫn đến vấn nạn hồ sơ ảo.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), cho dù đặt ra mục tiêu thu hút 40% sinh viên theo học ở các đại học, cao đẳng tư thục vào năm 2020, thì các chính sách hiện hành dường như vẫn chưa khuyến khích giáo dục tư nhân.
Nhưng quan trọng hơn là các trường tư đang yếu đi bởi các chính sách không rõ ràng. Ban đầu, một số trường bung ra mở ngành mới, dù cơ sở vật chất và giảng viên chưa bảo đảm, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ vẫn xin được giấy phép. Điều này khuyến khích các trường khác chạy đua cho bằng chị bằng em. Cơ quan quản lý dường như khá bàng quan, và chỉ khi dư luận xã hội đánh động, họ mới vào cuộc. Chính sách theo kiểu mèo vờn chuột này đang khiến nhiều trường khốn đốn. Theo bà Phương Anh, nếu ngay từ đầu, cơ quan quản lý nghiêm ngặt trong việc cấp phép thì đến nay các trường không ở trong tình cảnh khó khăn này. “Các trường tư làm những gì thị trường cần, còn trường công đào tạo những gì thị trường chưa cần lúc này, mà về lâu về dài. Có thể ví đây là hai cánh của một con chim ưng, nhưng ở Việt Nam, một cánh đã bị liệt”, bà Phương Anh bình luận.
Là người vừa ra khỏi trường công, làm việc toàn thời gian cho trường tư, bà Phương Anh cảm nhận rất rõ về sự cạnh tranh khốc liệt này. Theo bà, con đường mà các trường đại học ngoài công lập đang đi, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, đang rất gập ghềnh.
Công bằng mà nói, vẫn có một số trường tư bước đầu đã xây dựng được thương hiệu, chất lượng và được xã hội thừa nhận. Những trường như Hoa Sen, Hutech, Nguyễn Tất Thành, Huflit, hay UEF. Một số trường cũng đã cán đích tuyển sinh, số khác đang dao động trong khoảng 40-80% số lượng cần tuyển trong năm nay.
Chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các đại học, cao đẳng tư thục vào năm 2020 đang bị thách thức khi trong vài thập niên qua, khối giáo dục tư thục vẫn đang bị phân biệt đối xử. Sự tụt hậu về giáo dục dường như đang gia tăng, nếu các nhà quản lý giáo dục không có những đột phá về tư duy quản lý.
Cũng không hoàn toàn do chính sách
Thực ra, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng khó khăn của các trường đại học tư không chỉ do sự bất cập của chính sách mà còn ở cách làm ăn xổi ở thì của các trường.
Rất nhiều trường ra đời một cách vội vã, không có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cũng như giáo trình. Chưa hết, cuộc chạy đua mở ngành đã khiến rất nhiều trường đổ xô đào tạo một vài ngành thời thượng, như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh mà chẳng phải đầu tư bao nhiêu… Kết quả là khủng hoảng thừa. Khi đó, chỉ những trường đã khẳng định được chất lượng đào tạo, được xã hội thừa nhận mới có thể tồn tại. Theo ông Huỳnh Thế Cuộc, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, một khi các trường ra đời ồ ạt, thiếu sự đầu tư nghiêm túc, thì sự sàng lọc và đào thải đó cũng là một điều tất yếu, tuân theo quy luật phát triển.
Bổ sung cho nhau
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, vào đầu thập niên 1990, Malaysia quyết định mở cửa giáo dục tư nhân với chính sách rất rõ ràng, từng bước một. Ban đầu, Malaysia chỉ cho tư nhân tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, không cấp bằng. Sau đó, các trường tư muốn đào tạo cấp bằng thì phải liên kết với một trường ở nước ngoài, thường là từ Mỹ, Anh, Úc để có thể giảng dạy bằng tiếng Anh. Chính sách của đại học công và tư không trùng lắp, chồng chéo mà bổ sung cho nhau nên mỗi bên đều có đất để dụng võ. Ngay từ đầu, nhà nước quản lý chất lượng rất chặt chẽ và chính sách buộc trường tư phải liên kết với nước ngoài đã đưa nền giáo dục Malaysia tăng trưởng tốt. Hiện nay, trường tư và trường công của Malaysia có tỷ lệ ngang ngửa nhau
|
Hoàng Phi
Thời báo Kinh tế Sài Gòn