Những lưu ý “vàng” cho kỳ thi THPT quốc gia 2017
15/02/2017
Ngày 13.2, Bộ GDĐT công bố lịch thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 22-24.6.2017. Đây là sự kiện lớn nhận được sự quan tâm của hàng triệu học sinh và phụ huynh trên cả nước. Các thí sinh cần tập trung ôn luyện những gì và cần được phổ biến những thông tin ra sao về kỳ thi sắp tới?
Các nội dung cần tập trung ôn luyện
Theo quy chế chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ tổ chức thi theo 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (KHTN) (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (KHXH) (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Lịch thi chính thức sẽ diễn ra từ sáng 22 - 24.6 theo thứ tự các bài thi ngữ văn, toán, KHTN, ngoại ngữ, KHXH. Ngay sau khi có lịch thi, nhiều cơ sở giáo dục đang gấp rút phổ biến quy chế cũng như tập trung ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - GĐ Sở GDĐT Đà Nẵng - cho biết, hiện nay đơn vị này đang gấp rút triển khai, phổ biến và giải đáp các thắc mắc từ các cơ sở về Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2017. Ông Vĩnh nhấn mạnh: “Sở GDĐT Đà Nẵng cũng chỉ đạo công tác dạy học bám sát vào chuẩn kỹ năng kiến thức, bám sát vào khung chương trình quy định; hướng dẫn học sinh tiếp cận các đề thi minh họa đã được Bộ GDĐT công bố, các thao tác làm bài thi trắc nghiệm.
Dự kiến, sở sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ 2 và khảo sát (thi thử) thi THPT quốc gia với các bài thi, thời gian thi, cách thức thi, kiểu dạng đề thi tương tự như quy định của bộ để học sinh có dịp tiếp cận, rà soát, đúc rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng nhận thức đây là năm có nhiều thay đổi trong lộ trình đổi mới kỳ thi, kiểm tra đánh giá. Chúng tôi cũng sẽ sớm đề nghị thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) để phân định rõ trách nhiệm của các thành viên, tổng rà soát các vấn đề, các phương án liên quan đến kỳ thi. Việc chuẩn bị kỹ sẽ hạn chế tối đa những thiếu sót, tạo tính chủ động trong toàn hệ thống”.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho hay: “Nhà trường cũng căn cứ vào lựa chọn của học sinh để tổ chức dạy và hướng dẫn cho học sinh và chú ý ngay từ đầu năm học. Trong quá trình giảng dạy, lãnh đạo trường luôn đôn đốc giáo viên tập trung giảng dạy học sinh một cách tốt nhất, coi tất cả các môn đều là môn học chính.
Giáo viên phải giảng cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản ở các môn và rèn luyện cho các em việc tự lập trong học tập. Chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện chương trình học cơ bản và sau khi kết thúc chương trình sẽ tổ chức thi thử để học sinh làm quen hơn với kỳ thi sắp tới. Về công tác đề thi, tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành luôn làm theo nguyên tắc có giáo viên ra đề thi và giáo viên thẩm định đề độc lập sao cho đề thi được phù hợp, sát với chương trình và kết quả thi đạt cao nhất”.
Lưu ý “vàng” cho kỳ thi
Điểm khác biệt khi đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay so với năm 2016 là thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển cùng với ĐKDT. Để có thể đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đúng, thí sinh cần tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và trang thông tin điện tử của các trường; ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý các quy định: Được đăng ký không hạn chế số ngành, số trường và các nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới (từ 1 đến n). Khi ĐKDT, thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn này. Trong trường hợp này, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT (do phần mềm máy tính thực hiện);
Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu TLTN, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần lưu ý kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ) đưa ra lời khuyên: “Theo quy chế, thí sinh có thể được lựa chọn thi cả 2 bài thi tự chọn KHTN, KHXH. Tuy nhiên, học sinh chỉ nên chọn 1 trong 2 bài để thi. Học sinh chuyên về khối nào thì chọn bài thi của khối đó và tập trung dành nhiều thời gian ôn luyện kỹ để đạt được kết quả cao nhất. Việc chọn nhiều bài thi có thể dẫn đến học sinh phải dành nhiều thời gian để ôn tập dàn trải nhiều môn học mà chưa chắc đã đạt hiệu quả như mình mong muốn. Do vậy thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định của mình”.
Theo PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT): “Đề thi THPT QG năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phục vụ mục tiêu xét TN THPT và các câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi, phục vụ mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Các thí sinh cần chú ý học tập, ôn luyện trong chương trình quy định ở lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan. Thí sinh cần tham khảo đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm bộ đã công bố để có định hướng ôn tập đạt kết quả cao”.
N.CHUYÊN - V.TRẦN
(laodong.com.vn – 15/02/2017)