Nhóm ngành Công nghệ
HỎI: Ngành Công nghệ sinh học đào tạo những kiến thức chuyên môn gì?
TRẢ LỜI: Công nghệ sinh học là một tập hợp các ngành khoa học và công nghệ (sinh học, sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học và công nghệ học) nhằm tạo ra các qui trình công nghệ khai thác ở qui mô công nghiệp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động vật và thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Một số chuyên ngành hiện đang đào tạo ở các trường như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, công nghệ mô - công nghệ protein-enzym và kỹ thuật di truyền, CNSH nông nghiệp, CNSH công nghiệp, CNSH môi trường, CNSH thực phẩm, CNSH y dược, tin - sinh học.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể làm việc ở các lĩnh vực: y dược (chẩn đoán bệnh, chế biến thuốc, văcxin); môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải, bảo vệ môi sinh…); nông – lâm – ngư (giống, bệnh, chất lượng), công nghiệp (lên men công nghiệp, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến); tin – sinh học (genomics, proteomics, công nghệ protein…); thực phẩm (công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm)…
***
HỎI: Em được biết có nhiều trường đào tạo công nghệ sinh học nhưng một số trường đào tạo kỹ sư, một số khác đào tạo cử nhân. Vậy cho em hỏi giữa kỹ sư và cử nhân khác nhau như thế nào?
TRẢ LỜI: Công nghệ sinh học hiện nay là ngành mũi nhọn có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển khoa học, kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp là rất lớn và phụ thuộc trước hết vào kết quả học tập và trình độ ứng dụng vì đây là ngành khoa học công nghệ tiên tiến, đòi hỏi điều kiện trang thiết bị hiện đại.
Tùy trường, danh hiệu tốt nghiệp ngành CNSH có thể là kỹ sư hoặc cử nhân. Kỹ sư ngành CNSH được trang bị những kiến thức cơ bản về sinh học và kiến thức sâu về kỹ thuật công nghiệp, có khả năng vận hành sản xuất, chọn lọc và phát triển CNSH theo qui mô công nghiệp. Cử nhân ngành CNSH được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học, chú trọng các qui luật sinh học và các kỹ năng có thể được khai thác để tạo ra công nghệ và sản phẩm trực tiếp phục vụ cuộc sống, chú trọng tính liên ngành, đặc biệt trang bị các kiến thức và kỹ năng về sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật tế bào, kỹ thuật lên men, công nghệ enzym...
***
HỎI: Xin cho em hỏi về ngành Công nghệ thực phẩm. Học ngành này ra trường có dễ dàng kiếm việc làm không ?
TRẢ LỜI: Theo học ngành này, sinh viên được học các môn chuyên ngành như: Công nghệ chế biến rau quả; Công nghệ sản xuất dầu mỡ; Công nghệ vi sinh thực phẩm; Công nghệ chế biến đồ uống; Công nghệ chế biến thịt cá, trứng, sữa; Công nghệ sản xuất bánh kẹo; Công nghệ chế biến thức ăn công cộng...
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (Chế biến thịt, sữa, cá, cà phê, chè, đồ hộp...), quản lý chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngành này đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.
***
HỎI: Ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm của trường Đại học nông lâm là ngành Công nghệ thực phẩm phải không ạ? Xin cho biết sự khác nhau của 2 chuyên ngành? Tố chất, kỹ năng để theo học ngành này và cơ hội việc làm?
TRẢ LỜI: Ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm của trường ĐH Nông lâm TP.HCM là ngành đào tạo 2 khía cạnh: bảo quản nông sản nhằm giảm hư hỏng, giữ được lâu và chế biến các nông sản thực phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm: Chế biến thịt, sữa, rau, quả, trà, cà phê và các nông sản khác.
Muốn học ngành này thì phải là người chịu khó, tính cẩn thận, sáng tạo. Còn các kỹ năng khác khi vào trường sẽ được đào tạo thêm: giao tiếp, làm việc nhóm,tin học, ngoại ngữ...
Học ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm trong các Công ty, nhà máy chế biến thực phẩm của Nhà nước và các Công ty tư nhân.
***
HỎI: Ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm với ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm và dinh dưỡng người có gì giống nhau và khác nhau?
TRẢ LỜI: Chuyên ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm và dinh dưỡng người nằm trong ngành Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm về cơ bản là giống nhau, nhưng chuyên ngành này sẽ đi sâu vào chế biến thực phẩm liên quan đến dinh dưỡng cho người.
***
HỎI: Em nghe người ta nói ngành Công nghệ thực phẩm chỉ phù hợp với nữ và con trai thì không nên theo học ngành này, người ta còn bảo học ngành này chẳng có tương lai, khả năng xin việc làm rất thấp. Như vậy có đúng không?
TRẢ LỜI: Hiện nay ngành công nghệ thực phẩm có rất nhiều sinh viên theo học. Số lượng sinh viên nam theo học ngành này chiếm tỉ lệ khá lớn. Cơ hội việc làm cũng khá tốt do hiện nay ngành chế biến thực phẩm ngày càng phát triển và cơ hội xuất khẩu rất lớn.
***
HỎI: Giữa ngành Công nghệ môi trường và ngành Khoa học môi trường khác nhau như thế nào ạ? Nếu học khoa học môi trường thì có thể làm việc ở đâu và ngành này có triển vọng trong tương lai không?
TRẢ LỜI: Công nghệ môi trường và Khoa học môi trường nói chung đều đào tạo những kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành môi trường nhằm phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và điều hành trong các lĩnh vực tài nguyên và sinh thái môi trường, công nghệ môi trường, quản lý, kiểm soát ô nhiễm và đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất.
Công nghệ môi trường là ngành khoa học và kỹ thuật ứng dụng đa ngành như vật lý, hoá học, sinh học nhằm ngăn ngừa và xử lý các chất độc hại phát sinh từ quá trình sản xuất và hoạt động của con người.
Tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học môi trường có khả năng nhận công tác ở các cơ sở sau: các viện, các trung tâm nghiên cứu liên quan đến môi trường tự nhiên; môi trường kinh tế-xã hội và môi trường nhân tạo; Các cơ quan quản lý môi trường các cấp từ trung ương đến địa phương; Các công ty và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Các dự án quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, qui hoạch môi trường, đánh giá tác động môi trường; Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông.
***
HỎI: Cho em hỏi về ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH KHTN, em không biết trường đào tạo về các lĩnh vực gì và khi học có đặt nặng vấn đề lý thuyết?
TRẢ LỜI: Ngành CNTT của trường ĐH Khoa học Tự nhiên đào tạo kiến thức khoa học và công nghệ nền tảng và chuyên sâu nhằm trang bị năng lực ứng dụng các thành quả mới nhất của CNTT hướng tới nền kinh tế tri thức và có phương pháp luận vững chắc cũng như có khả năng đóng vai trò lãnh đạo để phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Cử nhân CNTT có khả năng tổ chức khai thác hiệu quả phần mềm ứng dụng trong công nghệ điều khiển, xử lý thông tin, nhận dạng, các hệ thống kỹ thuật, mạng máy tính, viễn thông, có khả năng thiết kế phần mềm phục vụ công tác quản lý, khai thác dữ liệu khoa học, giáo dục, xã hội và kinh tế.
Nhiều chuyên gia đầu ngành tốt nghiệp từ ĐHKHTN. Vừa qua, chương trình đào tạo nhóm ngành CNTT của trường đã được kiểm định quốc tế bởi mạng các trường đại học lớn Đông Nam Á với điểm số cao nhất trong 4 chương trình đào tạo tại Việt Nam.
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng cạnh tranh trong môi trường làm việc trong nước cũng như trên thị trường lao động toàn cầu.
***
HỎI: Em rất thích sau này ra trường làm về quản lí mạng và truyền thông hoặc làm về lập trình phần mềm. Nhưng em muốn biết trường nào đào tạo chuyên sâu về những ngành này và sau này ra trường thì ngành nào sẽ được chuộng hơn dễ kiếm việc làm hơn?
TRẢ LỜI: Có nhiều trường đào tạo về Công nghệ thông tin do nhu cầu nhân lực ngành này hiện nay là rất lớn, em có thể tham khảo các thông tin về tuyển sinh đại học của các trường.
Ngành Công nghệ thông tin trang bị các kiến thức về Công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng. Trong quá trình học tập sinh viên được đào tạo khá toàn diện về lý thuyết lẫn thực hành. SV có thể chọn một trong các hướng chuyên môn chính: kỹ thuật máy tính, hệ thống thống tin quản lý, kỹ thuật hệ thống, phần mềm ứng dụng, công nghệ phần mềm và lập trình mạng
Nhóm ngành CNTT: Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Mạng máy tính và viễn thông đều có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính cả về phần cứng lẫn phần mềm, chế tạo các sản phẩm phần mềm, hệ thống thông tin quản lý, hệ thống truyền thông, hệ thống điều khiển... Kỹ sư hoặc cử nhân ngành CNTT có thể làm việc tại các công ty thuộc lĩnh vực phần mềm, các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến CNTT.
***
HỎI: Ngành Công nghệ vật liệu đào tạo những gì? Triển vọng của ngành này như thế nào?
TRẢ LỜI: Sinh viên học ngành Công nghệ vật liệu được trang bị kiến thức về nhiệt học, lưu chất, sức bền, kỹ thuật nhiệt, cấu trúc và tính chất vật liệu, phương pháp chế tạo gia công và ứng dụng những vật liệu cụ thể. Ngành công nghệ vật liệu có các chuyên ngành: vật liệu kim loại – hợp kim, vật liệu Silicat, vật liệu Polymer. Kỹ sư ngành công nghệ vật liệu có thể nghiên cứu cải tiến và chuyển giao công nghệ, vận hành dây chuyển sản xuất, thiết kế, gia công chế tạo và ứng dụng các sản phẩm trên nhiều loại vật liệu khác nhau.
Kỹ sư ngành Công nghệ vật liệu có thể làm việc ở các cơ sở sản xuất vật liệu kim loại (luyện cán thép, luyện kim màu, gia công chế biến nhôm…), vật liệu silicate (xi măng, gốm, sứ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất) và vật liệu polymer (gia công chế biến nhựa, cao su, sơn, composite…), các công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, kinh doanh vật liệu hoặc có thể công tác tại các trường, viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý kiểm định chất lượng nguyên vật liệu.
***
HỎI: Ngành Công nghệ sau thu hoạch đào tạo những kiến thức gì? Cơ hội việc là có cao không?
TRẢ LỜI: Ngành Công nghệ sau thu hoạch đào tạo các kiến thức lý thuyết và thực hành các khâu kiểm tra, bào quản và chế biến nông hải sản thực phẩm đạt chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đào tạo những kỹ sư nắm vững lý thuyết và thực hành các khâu giám định và kiểm tra chất lượng nông hải sản thực phẩm sau thu hoạch, bảo quản tồn trữ lâu bền, chống thất thoát và chế biến làm đa dạng hoá sản phẩm…
Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng để làm việc tại các công ty xí nghiệp chế biến lương thực và thực phẩm (LTTP); các công ty và trạm, cửa khẩu kiểm tra xuất nhập khẩu LTTP, các xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, các kho, tổng kho bảo quản LTTP; các phòng kiểm nghiệm phân tích vi sinh, độc tố LTTP của các Viện nghiên cứu, các công ty trạm trại có liên quan; các Sở Nông nghiệp, Công nghiêp, các cơ sở bảo quản và chế biến nông hải sản, thực phẩm.
***
HỎI: Xin cho biết nội dung đào tạo của ngành Công nghệ dệt may? Những nơi làm việc sau khi ra trường?
TRẢ LỜI: Chương trình đào tạo của ngành Công nghệ dệt may cung cấp các kiến thức chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực dệt may trên cơ sở liên ngành bao gồm cơ khí, hóa học và quản lý công nghiệp. Một số môn học chuyên ngành như: vật liệu dệt, kỹ thuật chế biến sợi hóa học, công nghệ và thiết bị kéo sợi, công nghệ và thiết bị dệt thoi, công nghệ và thiết bị dệt kim, công nghệ và thiết bị nhuộm và hoàn tất vải, công nghệ và thiết bị may và thiết kế thời trang…
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng thiết kế mặt hàng sản xuất điều hành tốt dây chuyền thiết bị công nghệ của nhà máy; tổ chức quản lý tốt công tác bảo trì thiết bị; nghiên cứu khai thác công nghệ mới, mặt hàng mới của ngành Dệt may…
***
HỎI: Học ngành Công nghệ hóa học có thể làm việc ở đâu? Có làm việc trong ngành chế biến thực phẩm được không?
TRẢ LỜI: Kỹ sư ngành Công nghệ hóa học và hóa sinh được trang bị những kiến thức chuyên ngành liên quan đến chất lượng, công nghệ, thiết kế, chế tạo và dịch vụ trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển về hóa chất, thực phẩm. Cụ thể, SV có khả năng sử dụng các thiết bị, điều khiển các thông số quá trình của thiết bị cũng như nhà máy liên quan đến công nghiệp hóa học, thực phẩm, dược phẩm. Có khả năng thiết kế và quản lý các quá trình, thiết bị hay nhà máy để có thể sản xuất ra sản phẩm một cách kinh tế và an toàn.
Tốt nghiệp ngành này có thể nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp như thuỷ tinh, đồ gốm, kim loại, hóa chất, nhựa. Trong lĩnh vực thực phẩm, nghiên cứu các kỹ thuật thiết kế, hoạt động và kiểm soát quá trình của các phản ứng sinh học như sự lên men hay dưới sự xúc tác của enzyme liên quan đến công nghệ hóa sinh; nghiên cứu áp dụng các công nghệ hóa học và hóa sinh trong lĩnh vực nông nghiệp để tiến tới các công nghệ sản xuất sạch hơn.
(Tiếp tục cập nhật)