Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh 2023

23/12/2022

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin kỳ thi tuyển sinh đại học 2023 giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường các giải pháp kỹ thuật, nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh. Điểm khác biệt rõ là chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm. 

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa chốt phương án tuyển sinh riêng năm 2023. Theo đó, trường vẫn giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển nhưng có thay đổi lớn về chỉ tiêu gồm: Xét tuyển thẳng chiếm 2%; Xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chiếm 25%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội với 7 mã tuyển sinh chiếm 3%; xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường chiếm 70%.

Năm 2023, trường tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT còn 25% chỉ tiêu, thấp hơn 10% so với năm ngoái. Qua hai năm, chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường đã giảm mạnh từ 70% xuống còn 25%. Cũng trong 70% của phương thức xét tuyển theo Đề án tuyển sinh của trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 40% chỉ tiêu tuyển sinh cho thí sinh xét tuyển bằng điểm của kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia với 17 - 20% chỉ tiêu cho thí sinh đạt 85 hoặc 700 điểm trở lên khi tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; 20% chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực hai Đại học Quốc gia.  

Với chứng chỉ tiếng Anh, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu từ IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46, TOEIC (Listening và Reading 785, Speaking 160, Writing 150). Yêu cầu về điểm đánh giá năng lực cũng là đạt 85 hoặc 700 điểm trở lên.

Ngoài ra, về ngưỡng đầu vào, trường dự kiến là 20 điểm gồm điểm ưu tiên đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; Dự kiến là 18 điểm gồm điểm ưu tiên đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội; Với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của mỗi nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp.  

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Dự kiến, kỳ thi này sẽ có một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5/2023.  

Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ gồm 8 môn: Toán, văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để xét tuyển đại học.

Nhà trường cho biết, năm nay sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực lên khoảng 20 - 30% tùy ngành. Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng bốn phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.  

Đại học Bách khoa Hà Nội công bố năm 2023 tiếp tục giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành.

Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức với 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023.  

Trước đó, năm 2022, Đại học Bách khoa dành 10 - 20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội đã không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển hai phương thức còn lại.

Năm 2023, Trường Đại học Việt Đức tổ chức tuyển sinh theo các phương thức như sau:

Phương thức 1 (TestAS): Thực hiện theo hình thức thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của Trường. Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.

Phương thức 2 (Học bạ trung học phổ thông): Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông đối với các thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường trung học phổ thông tại Việt Nam trong năm tuyển sinh. Dự kiến Xét tuyển theo 5 môn gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Anh, Văn và 2 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Sử, Địa). Dự kiến, 2023, thí sinh đạt Ielts 6.0 và điểm trung bình 5 môn đạt 8.5 sẽ được xét tuyển thẳng.

Phương thức 3 (Tuyển thẳng): Xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi bậc trung học phổ thông cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.

Phương thức 4 (Chứng chỉ trung học phổ thông quốc tế): Xét tuyển đối với các thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của các bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).

Phương thức 5 (Kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông): Thực hiện theo hình thức xét tuyển căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh. Đối với thí sinh tham gia dự tuyển bằng nhiều phương thức vào Trường Đại học Việt Đức, kết quả trúng tuyển và học bổng cho từng phương thức được xác định độc lập với nhau. Thí sinh đã nhập học sẽ không được tiếp tục xét tuyển theo phương thức khác ngoại trừ trường hợp chuyển ngành.

Hiện số lượng sinh viên hiện tại của trường là 2.400 sinh viên Việt Nam và 70 sinh viên Quốc tế đến từ nước Đức và các nước trên thế giới. Với 7 ngành bậc cử nhân và 9 ngành bậc thạc sỹ trong các lĩnh vực khoa học máy tính, khoa học kỹ thuật, kiến trúc xây dựng, kinh tế & quản lý. Trường dự kiến sẽ có quy mô sinh viên ở mức 6.000 sinh viên vào năm 2030.  

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển: học bạ THPT; dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; dựa trên kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023; xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.Trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lên 20 - 30%; xét tuyển thẳng theo đề án tuyển sinh của trường sẽ tăng lên 10 - 15%; xét tuyển bằng học bạ THPT 30-35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh; còn lại xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.  

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ hướng dẫn các trường để loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Bộ cũng sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Lê Vân/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/giao-duc/nhieu-truong-dai-hoc-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-2023-20221223074917815.htm

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]