Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Nghịch lý điểm chuẩn đại học: Nhiều trường tốp trên điểm trung bình

07/10/2020

Nhiều trường công lập từng thuộc tốp trên giờ điểm chuẩn chỉ ở mức trung bình. Những ngành điểm thấp là những ngành truyền thống, những ngành đào tạo nhân lực hạ tầng cơ sở.

Tiếp tục mất ngôi vương

Các trường khối An ninh, Quân đội năm nay tiếp tục nhường ngôi vương cho những trường kinh tế công nghệ, thậm chí là khoa học xã hội - nhân văn. Điểm chuẩn của hai học viện thuộc khối ngành an ninh tuy cao hơn hơn năm 2019 nhưng so với khối ngành công nghệ thông tin,  kinh tế hay khoa học xã hội nhân văn thì không có sự đột biến.

Năm 2017, do "mưa" điểm 10 nên điểm trúng tuyển đối với nữ ở khối ngành công an lên đến 30,25/30 điểm (ĐH Phòng cháy chữa cháy tổ hợp A00 đối với nữ) hoặc 30,5/30 điểm (Học viện An ninh nhân dân, tổ hợp D01 đối với ngành ngôn ngữ Anh) khiến dư luận xôn xao. Nhưng từ sau vụ việc gian lận thi cử 2018, điểm chuẩn của các trường thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng đi vào thế ổn định.

 Năm nay kỷ lục thuộc về ngành Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi điểm trúng tuyển tổ hợp C00 lên đến 30/30 điểm. Kỷ lục này năm 2015 thuộc về ngành Luật của Học viện An ninh nhân dân đối với tổ hợp C00 dành cho nữ.

 Khối ngành công nghệ năm nay tiếp tục giữ vị trí tốp đầu khi điểm chuẩn ngành khoa học máy tính của trường ĐH Bách khoa Hà Nội lên đến 29,04 điểm, ngành công nghệ thông tin, ngành trí tuệ nhân tạo… ở các trường ĐH khác cũng rất cao. Trường Đại học Xây dựng thế mạnh truyền thống là nhóm ngành xây dựng, cầu đường nhưng năm nay, hai ngành điểm cao nhất của trường là công nghệ thông tin và khoa học máy tính. Ngành công nghệ thông tin cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường ĐH Thủy lợi.

 Với khối ngành y dược, điểm chuẩn của ngành y khoa cao nhất,  ở mức gần 29 điểm (ĐH Y Hà Nội). Nếu so sánh với khối ngành khoa học công nghệ thì từ năm 2019, điểm chuẩn của ngành y đã không còn giữ vị trí bá chủ trong bảng xếp hạng điểm chuẩn các trường dân sự như những năm trước đây.

 PGS. Trần Văn Tớp, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng, khối ngành quân đội, công an vẫn còn sức hút đối với một bộ phận thí sinh nông thôn, vì sinh viên không phải lo chi phí sinh hoạt, học phí và đầu ra. Còn với ngành y, TS Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, cho rằng, vừa qua, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng học phí đột ngột khiến thí sinh thay đổi lựa chọn của mình trong bối cảnh các trường ĐH đang dần tiến tới tự chủ.

Vẫn có những ngành phải “ăn đong”

Trong khi đó, các trường công lập từng là “ngôi sao” trong quá khứ, đào tạo những ngành cơ bản cho hạ tầng cơ sở nay rất khó tuyển sinh. Trường ĐH Xây dựng có nhiều ngành đào tạo nhân lực cho các ngành xây dựng, cầu đường, quy hoạch để phát triển hạ tầng cơ sở với điểm chuẩn chỉ ở mức 16 điểm. Với trường ĐH Giao thông Vận tải, điểm chuẩn cũng chỉ quanh mức 16 điểm.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn năm nay tăng cao vì lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng rất lớn. Chỉ tiêu của trường hơn 5.000 em nhưng có đến gần 66.000 nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, một số ngành của trường năm nay vẫn không tuyển được dù điểm chuẩn rất thấp, chỉ bằng điểm sàn.

Đây là bài toán xã hội nên rất khó. Đổi mới thi, tuyển sinh sắp tới nếu giao cho các trường, nhiều trường không thể lo được.  Ví dụ như trường ĐH Giao thông Vận tải đào tạo từ Bắc đến Nam thì không thể rải mành mành  tuyển sinh từ Bắc chí Nam được. Nên có thể liên kết với một số trường hoặc kết hợp với Sở GD&ĐT có chỉ đạo của Bộ”. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương- Phó hiệu trưởng trường  ĐH Giao thông Vận tải

PGS.TS. Nguyễn  Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải, cho biết, hiện xã hội rất cần nhân lực về xây dựng công trình giao thông yêu cầu kỹ thuật cao như đường cao tốc, đường sắt, hệ thống đường sân bay. Tuy nhiên gần đây, xây dựng giao thông đang bị ngừng trệ nên các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng đang giảm dẫn đến xu hướng học ngành này giảm theo. Nhưng nhu cầu vẫn có và cần những nhân lực có trình độ cao. Thực tế hiện nay, với một số công nghệ mới, những vấn đề cần kinh nghiệm, Việt Nam vẫn phải mời chuyên gia nước ngoài sang tư vấn. Nhưng cơ bản, nhân lực của ngành khi đào tạo ra vẫn đáp ứng được yêu cầu.

Theo PGS. Nguyễn Thanh Chương, điểm chuẩn đầu vào những ngành học cơ bản thấp nên khâu đào tạo rất vất vả và có chọn lọc để đạt được chuẩn đầu ra. Nếu đúng tiến độ thì có khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp, còn lại bị chậm. Do vậy, đầu vào thấp ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Ông nhận định, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh vẫn còn mang yếu tố trào lưu.

 Ông cho rằng, cách thức tuyển sinh như hiện nay tốt nhưng sẽ rơi vào trạng thái, thí sinh đăng ký trường tốp trên trước. Khi không đỗ rồi mới lọt xuống trường top giữa rồi tốp dưới.  Nhưng nếu cửa trên tìm mọi cách ngăn thì không còn thí sinh  lọt được xuống các cửa dưới. Những trường chưa có truyền thống, mới  thành lập sẽ không tuyển sinh được. Nên nhiều trường chưa tuyển đợt 1 đã thông báo tuyển đợt 2. Cùng với đó, cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng cũng là một yếu tố khiến chuyện đỗ ĐH mấy năm nay trở nên “mất thiêng”.

 ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, điểm chuẩn năm nay có sự phân tầng rõ rệt theo nhu cầu thực tế của thí sinh. Các ngành thuộc các trường có học phí thấp thường có điểm chuẩn cao hơn các trường ĐH có học phí cao. Các trường thuộc tốp trên có điểm chuẩn cao hơn các trường ĐH khác. Những trường ĐH xét học bạ nhiều sẽ có điểm chuẩn cao hơn so với các trường ĐH không xét hoặc xét học bạ ít. Nhiều trường lấy điểm cao nhưng có thể sẽ phải tuyển bổ sung để đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh những ngành “hot”, có điểm cao, nhiều ngành bộc lộ rõ sự yếu thế khi quá ít thí sinh đăng ký.

NGHIÊM HUÊ - NGUYỄN DŨNG
tienphong.vn – 07/10/2020

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang