Chương trình đào tạo » Đại học

Ngành Công nghệ robot

Ngành đào tạo:           CÔNG NGHỆ ROBOT (Robotics)

Trình độ đào tạo:        Đại học

Thời gian đào tạo:       4 năm

 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Chương trình khung giáo dục đại học ngành Công nghệ robot trình độ đại học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản của ngành và chuyên ngành trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ robot làm cơ sở cho quá trình tự học và phát triển toàn diện; sinh viên tốt nghiệp có khả năng áp dụng, tổ chức triển khai công nghệ robot vào sản xuất công nghiệp và các ứng dụng khác.

Mục tiêu cụ thể:

Phẩm chất

Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ robot có phẩm chất đạo đức tốt, có nhận thức đúng về trách nhiệm của công dân và có đủ sức khỏe để tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc;

Kiến thức

Sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành theo định hướng thiết kế công nghệ và tổ chức, vận hành, khai thác các hệ thống tự động hóa với sự tham gia của robot;

Kỹ năng

- Sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng thực hành trong công việc vận hành, khai thác, bảo trì robot và các loại trang thiết bị tự động liên quan;

- Sinh viên tốt nghiệp có khả năng xây dựng các giải pháp tự động hóa có sử dụng robot;

- Sinh viên tốt nghiệp có khả năng tổ chức, điều hành sản xuất và áp dụng các kiến thức được trang bị trong quá trình đào tạo vào điều kiện ứng dụng thực tế;

Khả năng làm việc

Sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ robot có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu có lĩnh vực liên quan về robot và lĩnh vực tự động hóa.

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương

1

Những nguyên lý cơ bản của CNMLN

8

Toán chuyên đề 1 (Xác suất - Thống kê)

2

Tư tưởng Hồ Chí Minh

9

Vật lý đại cương 1 (bao gồm cả thí nghiệm)

3

Đường lối CM của Đảng CSVN

10

Hóa học đại cương 1

4

Ngoại ngữ

11

Cơ sở máy tính & kỹ thuật lập trình

5

Toán cao cấp 1

12

Giáo dục thể chất

6

Toán cao cấp 2

13

Giáo dục quốc phòng – an ninh

7

Toán cao cấp 3

 

 

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

 

Kiến thức cơ sở ngành

 

 

1

Hình họa - Vẽ kỹ thuật

8

Kỹ thuật điện

2

Vẽ cơ khí

9

Kỹ thuật điện tử

3

Sức bền vật liệu

10

Cảm biến và đo lường

4

Cơ học lưu chất

11

Kỹ thuật điều khiển

5

Cơ lý thuyết

12

Hệ thống số và máy tính

6

Nguyên lý máy - Chi tiết máy

13

Nhập môn robot

7

Công nghệ Chế tạo máy 1

 

 

 

Kiến thức ngành

 

 

1

Tự động hóa sản xuất

5

Robot với trí tuệ nhân tạo

2

Thiết bị chấp hành

6

ĐAMH robot

3

Robot công nghiệp

7

ĐAMH Tự động hóa sản xuất có sự tham gia của robot

4

Robot di động

 

 

 

Thực tập

 

 

1

Thực tập Cơ khí tổng quát

5

Thực tập trang bị điện và điện tử trên máy

2

Thực tập máy công cụ

6

Thực tập robot công nghiệp

3

Thực tập điện kỹ thuật

7

Thực tập xí nghiệp

4

Thực tập điện tử

 

 

 

Khóa luận tốt nghiệp

 

 

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Hình học - Vẽ kỹ thuật:

Học phần cung cấp cho sinh viên những quy tắc cơ bản để xây dựng bản vẽ kỹ thuật  bao gồm: các tiêu chuẩn hình thành bản vẽ kỹ thuật; các kỹ thuật cơ bản của hình học họa hình: các nguyên tắc biểu diễn không gian hình học, các phép biến đổi, sự hình thành giao tuyến của các mặt; các yếu tố cơ bản của bản vẽ kỹ thuật: điểm, đường, hình chiếu, hình cắt; các loại bản vẽ lắp và bản vẽ chi tiết trên cơ sở tiêu chuẩn TCVN và ISO. Giới thiệu về ứng dụng máy tính trong các bản vẽ 2D.

Vẽ cơ khí:

Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức để biểu diễn trên bản vẽ các chi tiết cơ khí như bánh răng, trục vít - bánh vít, ổ lăn, lò xo, mối ghép ren, mối ghép then, mối ghép hàn. Cách xây dựng bản vẽ lắp, bản vẽ chi tiết với các yêu cầu của kỹ thuật chế tạo và vẽ bản vẽ sơ đồ.

Sức bền vật liệu:

Học phần cung cấp kiến thức về tính toán sức chịu tải của các chi tiết máy và kết cấu kỹ thuật; các điều kiện về khả năng chịu lực và biến dạng trong miền đàn hồi của các chi tiết máy và kết cấu kỹ thuật, bao gồm: các khái niệm cơ bản về nội lực và ngoại lực, ứng suất và chuyển vị, các thuyết bền, các trạng thái chịu lực phẳng và không gian; tính toán về ổn định và tải trọng động. Một số bài toán siêu tĩnh thường gặp trong thực tế kỹ thuật.

Cơ học lưu chất:

Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về tĩnh học, động học và động lực học lưu chất, khảo sát hệ lưu chất lý tưởng và những ứng dụng của chúng trong thực tế kỹ thuật.

Cơ lý thuyết:

Học phần cung cấp những kiến thức nền tảng để tiếp thu những học phần cơ sở và chuyên ngành khác của lĩnh vực cơ khí, nội dung học phần bao gồm các phần:

Tĩnh học: các tiên đề tĩnh học, lực, liên kết, phản lực liên kết, phương pháp khảo sát các hệ lực: phẳng, không gian, ngẫu lực và mômen, lực ma sát.

Động học: các đặc trưng chuyển động của điểm và vật thể, chuyển động tịnh tiến và chuyển động quay, chuyển động song phẳng và hợp các chuyển động.

Động lực học: các định luật, định lý cơ bản của động lực học, nguyên lý d’Alambert, phương trình Lagrange loại II, nguyên lý di chuyển khả dĩ và hiện tượng va chạm trong thực tế kỹ thuật.

Nguyên lý - chi tiết máy:

Nguyên lý - chi tiết máy là môn kỹ thuật cơ sở nghiên cứu về nguyên lý cấu tạo, động học, lực học và động lực học của cơ cấu và máy nói chung, nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức để giải hai bài toán cơ bản: (1) Phân tích nguyên lý cấu tạo, động học, lực học và động lực học của cơ cấu và máy đã cho, và (2) Tổng hợp (thiết kế) cơ cấu và máy thỏa các điều kiện động học, lực học và động lực học cho trước. Thiết kế, lựa chọn, kiểm nghiệm các chi tiết máy và cụm chi tiết máy công dụng chung. Qua đó hình thành quy trình khả thi khi thiết kế một thiết bị, máy móc cơ khí cụ thể.

Công nghệ chế tạo máy 1:

Học phần cung cấp cho người học những nguyên lý cơ bản của quá trình cắt gọt; những đặc trưng và vai trò của hệ thống công nghệ; các vấn đề liên quan tới sai số gia công và các biện pháp khắc phục chúng để nâng cao độ chính xác gia công và chất lượng bề mặt của sản phẩm.

Kỹ thuật điện:

Học phần dành cho sinh viên không chuyên ngành điện, nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về mạch điện, cách tính toán mạch điện, nguyên lý cấu tạo, tính năng và ứng dụng các loại máy điện cơ bản; cung cấp khái quát về đo lường các đại lượng điện. Trên cơ sở đó có thể hiểu được các máy điện, khí cụ điện thường gặp trong sản xuất và đời sống.

Kỹ thuật điện tử:

Trang bị cho sinh viên không chuyên về điện tử các kiến thức về điện tử cơ bản dạng mạch rời, các mạch tích hợp tương tự và số. Giúp sinh viên hiểu được các ứng dụng của kỹ thuật điện tử trong ngành chuyên môn của mình.

Cảm biến và đo lường:

Học phần cung cấp các khái niệm, kiến thức về đo lường các đại lượng không điện như vị trí, nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, cường độ ánh sáng, trọng lượng... bao gồm:

- Nguyên tắc hoạt động của cảm biến, phân tích các chuyển đổi đại lượng không điện thành tín hiệu điện dùng cho ngành công nghệ robot, cho các thiết bị cơ - điện tử,... và các phương pháp thu nhận, xử lý tín hiệu.

- Các nguyên tắc đo lường tín hiệu và thiết bị gắn kết sau cảm biến.

- ứng dụng trong điều khiển quá trình và tự động hóa.

Kỹ thuật điều khiển:

Trình bày các nội dung cơ bản của kỹ thuật điều khiển được ứng dụng trong công nghiệp, từ hệ thống điều khiển logic (tuần tự) đến các sơ đồ vòng kín.

Nội dung bao gồm:

- Tổng quan về hệ thống điều khiển

- Hệ thống điều khiển tuần tự: các phần tử, nguyên lý xây dựng sơ đồ điều khiển.

- Hệ thống điều khiển tuyến tính: Xây dựng hàm truyền, đặc tính tần số và tính ổn định, chất lượng tĩnh, hiệu chỉnh hệ thống, bộ hiệu chỉnh PID.

- Hệ thống điều khiển dùng máy tính: Phương trình trạng thái, hệ thống điều khiển liên tục và gián đoạn, hàm truyền z, tính ổn định của hệ thống gián đoạn. Cơ sở của lý thuyết điều khiển hiện đại cũng được giới thiệu. Điều khiển mờ được giới thiệu làm đại diện cho nhóm ứng dụng tính toán mềm.

Hệ thống số và máy tính:

Học phần giới thiệu các vấn đề cơ bản về các phần tử logic sử dụng khi thiết kế các hệ thống số để điều khiển và xử lý; các linh kiện số cơ bản; cấu trúc máy tính; các giao tiếp bộ nhớ; các nguyên lý giao tiếp vào/ra; và các lĩnh vực liên quan đáp ứng yêu cầu điều khiển trong lĩnh vực robot và công nghiệp.

Nhập môn rôbốt:

Môn học này bao gồm các kiến thức nhập môn robot: lịch sử, xu hướng phát triển, phân loại, nguyên lý cấu tạo, hoạt động và một số ứng dụng của robot trong công nghiệp và đời sống.

Tự động hóa sản xuất:

Nội dung học phần bao gồm những kiến thức về tự động hóa và kỹ thuật điều khiển trong sản xuất, trong đó cũng giới thiệu cho người học những kiến thức liên quan đến lĩnh vực sản xuất tự động hóa như các vấn đề và bài toán về vận chuyển trong nhà máy sản xuất, các hệ thống sản xuất, các hệ thống kiểm tra chất lượng và các hệ thống phụ trợ sản xuất khác.

Thiết bị chấp hành:

Môn học cung cấp kiến thức tổng quát về các cơ cấu chấp hành được sử dụng phổ biến trên robot:

- Thành phần chấp hành cơ bản (điện, cơ, thủy, khí).

- Hệ điều khiển chuyển động và cảm biến.

Robot công nghiệp:

Nội dung học phần bao gồm những kiến thức về nguyên lý cấu tạo, động học, động lực học, nguyên tắc vận hành và những phương pháp lập trình điều khiển hoạt động của robot công nghiệp trong thời gian thực và trong sản xuất thực tế cũng như phạm vi ứng dụng của chúng trong sản xuất công nghiệp.

Robot di động:

Chương trình đào tạo được xây dựng đã bao gồm những kiến thức về nguyên lý cấu tạo và hoạt động của robot di động, qua đó giúp sinh viên làm quen với các vấn đề kỹ thuật cơ bản nhất cũng như khả năng ứng dụng của robot di động vào các lĩnh vực khác nhau.

Robot với trí tuệ nhân tạo:  

Môn học cung cấp những kiến thức liên quan đến xây dựng một robot phản ứng theo tập tính với môi trường hoạt động nhằm thực hiện một công việc.

Nội dung:

- Khái niệm về robot thông minh.

- Các mô hình (paradigm) tiếp nhận và xử lý thông tin ngoại vi của robot.

- Các cảm biến thu nhận thông tin ngoại vi và phương pháp xử lý.

Đồ án môn học robot:  

Đồ án môn học cung cấp các kiến thức về khả năng thiết kế, chế tạo, mô phỏng và điều khiển robot thông qua các đồ án cụ thể: Cánh tay robot (Robotic Arm), Robot một bánh xe (One Wheel Robot), Robot hai bánh xe (Differential Drive Robot), Robot bốn bánh xe (Four Wheel Drive Robot), Robot hexapod (Hexapod Robot), Robot di chuyển bằng chân (Biped Robots), Robot di chuyển bằng cánh quạt/chong chóng (Propeller Based Robots),...

Đồ án môn học tự động hóa sản xuất có sự tham gia của robot:

Đồ án môn học giúp SV củng cố (cung cấp) các kiến thức về khả năng vận hành và thiết kế, chế tạo, mô phỏng hệ thống sản xuất linh hoạt FMS và CIM. FMS bao gồm: các nguyên tắc hình thành, các phần tử trong hệ thống, vấn đề vận hành, hướng phát triển và hiệu quả kinh tế của hệ thống FMS. CIM bao gồm: thiết kế trợ giúp của máy tính; lập quy trình có trợ giúp của máy tính; lập kế hoạch sản xuất và kiểm tra; kiểm tra chất lượng có trợ giúp của máy tính; và sản xuất có trợ giúp của máy tính.

Thực tập Cơ khí tổng quát:

- Nội quy về an toàn lao động.

- Thực hành dũa, cưa, đục, cạo, khoan, doa, tarô.

- Thực hành hàn điện, hàn gió đá, hàn khí bảo vệ.

Thực tập máy công cụ:  

Nội dung thực tập gồm các bài gia công cơ bản về: Tiện, Phay, Mài nhằm giúp cho sinh viên củng cố kiến thức lý thuyết đã học được ở các môn cốt lõi, chuẩn bị cho việc học tập các kiến thức chuyên ngành và trang bị một số kỹ năng cơ bản của nghề Tiện, Phay, Bào, mài làm cơ sở cho các nội dung lý thuyết chuyên ngành và thực tập kế tiếp.

Thực tập điện kỹ thuật:

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các khí cụ điện, các thiết bị điện, các mạch điện cơ bản, các loại động cơ thường gặp.

Thực tập điện tử:

Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức về các linh kiện điện tử, các mạch điện tử cơ bản thường gặp. Sinh viên sẽ biết cách nhận dạng và đọc trị số của điện trở, tụ điện, cuộn dây, các linh kiện bán dẫn.

Thực tập trang bị điện và điện tử trên máy:  

Học phần cung cấp các kiến thức cần thiết về truyền động điện, khí cụ điện, các phần tử điều khiển, bộ khuếch đại để hình thành các mạch điện cơ bản trên máy công nghiệp. Sinh viên đọc được các mạch điện trên máy, phát hiện hư hỏng và khắc phục, thay thế.

Thực tập robot công nghiệp:

Nội dung học phần gồm những kiến thức và kỹ năng thực hành về robot công nghiệp, bao gồm các phần kiến tập, khảo sát về nguyên lý cấu tạo của các phần tử cấu thành robot và kết cấu động học một số robot công nghiệp tiêu biểu như robot hàn, robot sơn, robot SCARA, robot song song; khảo sát và thực tập lập trình để vận hành, điều khiển hoạt động trong thời gian thực các robot công nghiệp, các vấn đề về an toàn và bảo dưỡng robot trong sản xuất thực tế. Học phần cũng giúp sinh viên làm quen với các phần tử phụ trợ khác trong ứng dụng sản xuất công nghiệp.

Thực tập xí nghiệp:  

Là nội dung giúp sinh viên làm quen với tổ chức sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, sinh viên được tổ chức tham quan kiến tập các xí nghiệp cơ khí, tìm hiểu cơ cấu tổ chức xí nghiệp, tham gia trực tiếp vào một công đoạn của nhà máy, xí nghiệp.

 

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]