Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Nên cho học sinh nhiều lựa chọn

19/05/2014

Nguyên nhân sâu xa khiến học sinh VN hiện nay hầu như chỉ chọn con đường vào đời duy nhất - thi đại học là do mô hình giáo dục phổ thông thiếu đa dạng, không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong một thế giới đầy biến động.

Giáo dục hiện nay quá lệ thuộc vào suy nghĩ theo lối tuyến tính - chỉ đi theo một con đường.

Chẳng hạn, việc đánh giá học sinh tiểu học theo quy chế hiện hành quá coi trọng kết quả cuối năm học. Thực tế không phải học sinh nào cũng theo cấu trúc đường thẳng, bởi vì có những học sinh rất giỏi vào đầu và giữa năm, nhưng do tác động hoàn cảnh nào đó mà cuối năm học yếu đi.

Nhiều giáo viên hiện nay vẫn nghĩ sách giáo khoa như một chương trình cụ thể, có tính pháp lệnh. Vì thế để sử dụng tốt sách giáo khoa cần phải tham khảo sách hướng dẫn giáo viên viết theo thể thức tuyến tính. Điều này dẫn đến sự suy giảm và sai lệch trong phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên.

Đối với nhiều học sinh và phụ huynh, mục tiêu cao nhất hiện nay là làm sao vào được đại học, bất kể trường nào, không quan tâm đến ngành học đó có phù hợp với khả năng và sau khi ra trường có kiếm được việc làm hay không. Không phải mọi người không cần học đại học, mà như Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên Hiệp Quốc đã nêu: “Giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng”, do đó, không phải ai cũng cần vào đại học và không phải ai cũng cần vào đó ngay sau tốt nghiệp phổ thông.

Tạo điều kiện bộc lộ tài năng

Theo Ken Robinson (người Anh) - chuyên gia về sáng tạo, giáo sư giáo dục nghệ thuật - tài nguyên con người cũng giống như tài nguyên thiên nhiên, không nằm ngay trên bề mặt mà phải mất công tìm, phát hiện, phải tạo ra tình huống để chúng bộc lộ. Nếu chương trình giáo dục chỉ chú trọng đến cung cấp kiến thức, kỹ năng để học sinh vượt qua các kỳ thi thì những tài năng thực sự khó bộc lộ. Học sinh không thể có cơ hội để bộc lộ khả năng nếu khi thể hiện cá tính của mình thì bị coi là “học sinh cá biệt” và nhà trường coi trọng “kỷ luật áp đặt” hơn là áp dụng “kỷ luật tự giác”. Thực tiễn cuộc sống cho thấy có trường hợp một người học hành, thi cử rất xuất sắc, nhưng khi ra đời người đó vẫn chỉ là một người làm công ăn lương bình thường, không như kỳ vọng của gia đình, bạn bè và nhà trường.

Một trong những thách thức rất lớn của nhiều quốc gia cũng như đối với Việt Nam hiện nay là làm sao để đổi mới một cách căn bản và toàn diện giáo dục. Đổi mới rất khó bởi vì nhiều công đoạn, thói quen đã ăn sâu đối với nhiều người. Vì vậy, đổi mới hay tạo ra một cuộc cách mạng thực sự là phải phá bỏ những lề thói thông thường đã ăn sâu tận gốc rễ của nhiều thế hệ.

Đa dạng hóa mô hình giáo dục

Tất cả những trở ngại nêu trên, theo nhiều nhà khoa học, là do mô hình đồng nhất trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Nghĩa là học hết tiểu học lên THCS, hết THCS rồi lên THPT, không vào được các trường THPT thì học các trung tâm GDTX (thực chất là học văn hóa như phổ thông nhưng ít môn hơn). Việc phân luồng học sinh sau THCS đã được đặt ra hơn 30 năm qua với nhiều văn bản, chính sách được ban hành nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.

Nhiều người cho rằng mô hình trường TCCN và dạy nghề như hiện nay không hấp dẫn học sinh, mà cần chuyển thành trường trung học kỹ thuật (vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề) như nhiều nước trên thế giới để tạo ra sự phân luồng học sinh sau THCS một cách hợp lý.

Tài năng của con người cực kỳ đa dạng, với những năng khiếu hoàn toàn khác nhau. Theo Giáo sư Howard Garner (Mỹ), trường học nên giúp đỡ học sinh tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại tài năng, tham gia nhiều loại hình sinh hoạt học đường và xã hội, giúp học sinh có khả năng đa dạng để sau này phục vụ xã hội theo nhiều chiều hướng. Vì vậy, việc đổi mới nền giáo dục hiện nay không phải nhân rộng một mô hình nào đó mà cần có nhiều mô hình tốt, triển khai theo điều kiện của từng địa phương, bậc học, cấp học và cá nhân hóa giáo dục.

Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng chú trọng đến đa dạng hóa các mô hình và giải pháp như cho phép triển khai giảng dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học theo chương trình công nghệ giáo dục; triển khai và nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); ở các thành phố cho phép mở các trường phổ thông quốc tế; trong đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” Bộ cũng đã đề xuất phương án một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và mới đây cho phép TP.HCM triển khai mô hình 9+5…

Vấn đề quan trọng là cần tạo ra một cuộc cách mạng mới trong giáo dục, trong đó mỗi người sẽ tìm ra lối đi riêng với sự giúp đỡ của một chương trình giáo dục được cá nhân hóa, đa dạng hóa mô hình trường phổ thông như ở các nước. 

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]