Bản tin » Đào tạo - Dạy nghề

Liên thông trong đào tạo: Có nhất thiết liên thông tất cả?

15/01/2025

Liên thông trong giáo dục, đào tạo là cần thiết nhưng tất cả lĩnh vực, ngành, bậc học có nhất thiết phải liên thông?

PGS.TS Phạm Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội): Không nên áp dụng với đào tạo khối ngành sức khoẻ

Theo tôi, liên thông trong giáo dục, đào tạo là cần thiết vì nhiều người có thể không có điều kiện hoặc không đủ điều kiện học bậc học cao hơn; có mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp nên phải học qua một bậc học thấp hơn trước đó.

Khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (Nghị định) có nêu, học liên thông là việc người học theo học một chương trình giáo dục trên cơ sở sử dụng kết quả học tập được công nhận của một chương trình đã hoàn thành trước. Qua đó có thể rút ngắn khối lượng, thời gian học tập cần thiết để hoàn thành chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, không nên áp dụng với đào tạo khối ngành sức khoẻ, đặc biệt ngành y khoa. Mặc dù chuẩn đầu ra và thời gian đào tạo như nhau nhưng đầu vào khác nhau nên khó đảm bảo chất lượng bác sĩ đa khoa khi tốt nghiệp.

Trước đây, do hoàn cảnh để lại, đội ngũ y sĩ cần chuẩn hoá và cung cấp nhân lực cho y tế cơ sở (đặc biệt ở vùng sâu, xa) nên cần đào tạo liên thông (chuyên tu). Tuy nhiên, hiện năng lực đào tạo bác sĩ chính quy của 32 cơ sở đào tạo ngành y khoa trên cả nước có thể cung ứng đủ nhân lực y tế cho xã hội. Những trường hợp đặc biệt (cho Quốc phòng, Công an) cần có quy định riêng (như Nghị định 73/2005/NĐ-CP về đào tạo cán bộ cho quân đội).

GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM: Chất lượng đầu ra là yếu tố quyết định

Liên thông trong đào tạo cần thiết, nhất là trong xã hội khuyến khích học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội. Nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống kinh tế - xã hội của một quốc gia. Vì vậy, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là hoàn toàn đúng đắn.

Mặt khác, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội đa dạng nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Do tính đa dạng đó, sự phân công lao động trong xã hội là khách quan và tất yếu. Khi có sự phân công lao động hợp lý sẽ giúp xã hội phát triển hài hoà.

Nguồn nhân lực có chất lượng là nguồn nhân lực đã thông qua đào tạo. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ nguồn nhân lực đã thông qua đào tạo với nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đã được thông qua đào tạo, mà còn là nguồn nhân lực tài năng, nguyên khí quốc gia. Trong xã hội, chắc chắn có bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi quá trình tuyển chọn, giáo dục và đào tạo, tuyển dụng và sử dụng đặc biệt. Điều này sẽ tạo ra một số hạn chế nhất định đối với việc tuyển sinh, giáo dục và đào tạo liên thông. Như vậy, không phải tất cả lĩnh vực, ngành, bậc học đều phải liên thông. Tuyển chọn đầu vào không phù hợp sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo, kéo theo hệ lụy trong tuyển dụng và sử dụng.

Vì vậy, cần thiết xác định rõ lĩnh vực, ngành, bậc học nào thì không được liên thông. Hệ thống giáo dục quốc dân của các nước cũng tương tự như vậy. Tất nhiên, cơ hội học tập là bình đẳng với mọi người. Để được giáo dục và đào tạo ở lĩnh vực, ngành hay một bậc học nào đó, mọi người là bình đẳng trong công tác tuyển chọn. Tức là công tác tuyển sinh cũng bình đẳng với mọi người.

Khi nói về nguồn nhân lực của hệ thống (chăm sóc) y tế thì không chỉ nói về số lượng, chất lượng, mà còn nói về loại hình nguồn nhân lực. Để có hệ thống y tế vận hành đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực y tế đa dạng về ngành nghề và bậc đào tạo. Do đó, không thể liên thông ngang - dọc tất cả, vì như vậy sẽ phá hỏng cấu trúc của hệ thống y tế, đồng thời không đảm bảo được chất lượng của nguồn nhân lực y tế.

Về ngành học, không thể liên thông từ ngành y qua ngành dược hay ngược lại, cũng không thể liên thông lẫn nhau giữa bác sĩ y khoa với bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học cổ truyền hay bác sĩ y học dự phòng.

Về bậc học, có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hay cử nhân đại học đối với các ngành đào tạo cử nhân đại học, nhưng không thể liên thông lên dược sĩ đại học hay bác sĩ. Có thể liên thông từ cử nhân đại học chính quy (một số ngành) lên dược sĩ đại học. Các ngành đào tạo cử nhân thì không thể liên thông lên bác sĩ.

PGS.TS Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Có thể liên thông giữa THPT và trung cấp nghề

Tôi nhất trí quan điểm cho liên thông giữa THPT và trung cấp nghề. Các môn thuộc khối kiến thức chung như: Lý luận chính trị, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng và an ninh, ngoại ngữ... có thể được công nhận nhằm tạo điều kiện cho người học hoàn thành song song hai chương trình giáo dục.

Tuy nhiên, cần xem xét về tỷ lệ miễn giảm khối lượng học tập cho người học khi tham gia học liên thông từ trung cấp và cao đẳng lên đại học với cùng nhóm ngành.

Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 9 dự thảo Nghị định có nêu, căn cứ quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp trung cấp cùng nhóm ngành nghề. Trong đó, tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo đại học không vượt quá 20%.

Theo quy định này, người học sẽ được giảm trừ 1/5 khối lượng học tập ở chương trình giáo dục đại học cùng nhóm ngành, tức là chưa được 1 năm đối với chương trình đào tạo 4 năm và 1 năm với chương trình đào tạo 5 năm. Như vậy, thời gian rút ngắn khi người học tham gia học liên thông lên đại học không đáng kể, không đạt được ý nghĩa tiết kiệm thời gian cho người học… Do đó, tôi đề xuất tăng tỷ lệ miễn giảm khối lượng học tập ở chương trình đại học lên không quá 30%.

Tương tự, quy định khối lượng học tập được miễn giảm chưa phù hợp. Trên thực tế, nhiều chương trình đào tạo (đặc biệt các chương trình đào tạo cùng ngành) được xây dựng trong thời gian gần đây đã theo quan điểm chương trình cao đẳng, cộng thêm một số mô-đun, bổ sung thành chương trình đại học. Một số chương trình đào tạo cùng nhóm ngành được xây dựng theo mô hình A + B, có cùng khối lượng kiến thức chung và kiến thức cơ sở ngành...

Như vậy, nhiều khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành đã học ở bậc cao đẳng không nhất thiết phải học lại hoàn toàn, mà chỉ cần có những mô-đun/học phần nâng cao khác trong chương trình đại học. Ví dụ, với nhóm ngành âm nhạc, phần lý thuyết âm nhạc cơ bản gần như tương đồng bậc trung cấp, cao đẳng và đại học. Mức độ nâng cao được thể hiện trong những học phần mang tính vận dụng lý thuyết như hòa thanh hay phân tích tác phẩm...

Từ những lý do nêu trên, tôi đề xuất tăng các tỷ lệ miễn giảm khối lượng học tập, cụ thể như sau:

60% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp (trong dự thảo Nghị định là 50%);

35% đối với người tốt nghiệp cao đẳng cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp (trong dự thảo Nghị định là 25%);

30% đối với người tốt nghiệp cao đẳng khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp (trong dự thảo Nghị định là 25%);

20% đối với người tốt nghiệp cao đẳng khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp (trong dự thảo Nghị định là 10%).

Việc miễn giảm khối lượng học tập cho người học liên thông không chỉ có ý nghĩa về mặt thời gian, mà còn ý nghĩa về mặt kinh tế, tạo điều kiện cho người học dễ dàng hơn khi tham gia các chương trình liên thông.

TS Trần Thị Minh Huế - Trưởng khoa Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên): Đảm bảo chất lượng dạy và học

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh các trường đang học song song 2 chương trình: Trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên cấp THPT. Việc này dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, quy định này giúp học sinh rút ngắn thời gian thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, giảm tải cho học sinh, đồng thời đảm bảo được chất lượng dạy, học cũng như đáp ứng yêu cầu của Ban Bí thư về việc học sinh tốt nghiệp sẽ có 2 bằng sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, cần đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo tại các cơ sở, thực hiện giáo dục người học theo chương trình trung cấp nghề và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cũng như thực hiện cơ chế kiểm soát, công nhận chất lượng của Nhà nước để người học khi hoàn thành chương trình đáp ứng được chuẩn đầu ra của chương trình trung cấp nghề và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Tránh trường hợp người học tốt nghiệp nhưng không có đủ phẩm chất, năng lực theo chuẩn đầu ra, đặc biệt đối với đào tạo nghề trình độ trung cấp.

Tôi nhất trí Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành. Các quy định tại Nghị định này sẽ thay thế các quy định tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg do có một số điểm không còn phù hợp.

Theo dự thảo Nghị định, mục đích liên thông là tạo điều kiện thuận lợi cho người học lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc, nghề nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo.

Minh Phong (Thực hiện)
https://giaoducthoidai.vn/lien-thong-trong-dao-tao-co-nhat-thiet-lien-thong-tat-ca-post715535.html

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang