Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Kỳ thi THPT QG 2016: Tất cả đều phải bình đẳng, nghiêm túc

29/06/2016

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, không có chuyện nể nang “trường tôi”, “trường anh” trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Ngày 1/7 tới, trên 887.000 học sinh trên cả nước sẽ tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi này đã hoàn tất.

Trao đổi với báo chí trước kỳ thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ rất khách quan, nên không có chuyện những cụm thi do Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức thì “nhẹ tay” mà những cụm do trường đại học tổ chức thì “chặt tay”. Tất cả các cụm thi đều phải bình đẳng và nghiêm túc.

PV: Thưa Bộ trưởng, Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ở các tỉnh, thành phố đều có cụm thi do Sở Giáo dục- Đào tạo chủ trì và cụm thi do trường Đại học chủ trì. Dư luận lo ngại ở các cụm thi do Sở tổ chức có thể xảy ra sự buông lỏng trong coi thi, chấm thi. Vậy, Bộ có chỉ đạo như thế nào để đảm bảo sự công bằng, khách quan giữa các cụm thi?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nhận thức được đảm bảo sự công bằng ngay cả về coi thi rồi xử lý các tình huống trong kỳ thi và chấm thi, Bộ đã chỉ đạo các trường đại học và các địa phương không có sự phân biệt giữa cụm do các trường đại học phụ trách và các cụm do các Sở phụ trách. Các trường, cụm do Sở đứng ra tổ chức, rồi những vùng hết sức khó khăn như vùng Tây nguyên, miền Trung thì Bộ đã có kế hoạch tăng cường cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình tổ chức thi.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ là các cụm thi phải khách quan, nghiêm túc với nhau và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cụm thi lần đầu tiên các tỉnh tổ chức và các cụm do Sở Giáo dục- Đào tạo chủ trì. Cho nên là không có việc các cụm do Sở tổ chức thì “nhẹ tay”, mà các cụm do các trường đại học thì “nặng tay”. Tất cả phải bình đẳng và nghiêm túc.

Chấm thi, năm nay có quy định rất rõ là trách nhiệm của cụm coi thi và trách nhiệm của hội đồng chấm thi của địa phương về mặt kinh phí cho các giám thị coi thi, tránh tình trạng trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến một số giám thị không được hài lòng trong quá trình điều động chấm thi.

Trong quá trình chấm thi, cũng phải có một trách nhiệm là kiểm tra chéo để khắc phục tình trạng là tự trong nội bộ “nhẹ tay”, nể nang “trường tôi”, “trường anh”. Công tác tổ chức chấm thi chúng tôi đã chỉ đạo là barem chấm số điểm chênh nhau 0,25 và đưa vào phần mềm minh bạch, để tất cả các giáo viên đều hiểu như nhau và đều chấm một thang điểm như nhau. Đó là những giải pháp để đảm bảo sự chính xác công bằng giữa các thí sinh chứ không phân biệt các thí sinh để xét tuyển hay là các thí sinh chỉ công nhận tốt nghiệp.

PV: Năm nay số cụm thi tăng lên, nhiều ý kiến cũng lo ngại không đủ giáo viên chấm thi, hơn nữa, trình độ giáo viên sẽ có sự khác biệt dẫn tới chấm lỏng chấm chặt, không đảm bảo công bằng giữa các thí sinh. Bộ đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không có chuyện đó. Trong các cụm thi và các địa bàn thi, chúng tôi có tăng cường giáo viên có kinh nghiệm chứ không khoán trắng cho từng địa phương. Thậm chí có những địa phương mà chúng tôi phải tính đến là đổi chấm chéo. Do vậy khắc phục được tình trạng chấm chặt chấm lỏng rồi tính địa phương khi chấm thi. Bộ đã tính toán, tuy giáo viên các cụm vất vả một tí nhưng đảm bảo khách quan.

PV: Đây là năm đầu tiên cụm thi được tổ chức ở tất cả các địa phương nên thí sinh có thuận lợi là đỡ phải di chuyển xa, nhưng cán bộ coi thi thì phải di chuyển nhiều. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn, khách quan đối với cán bộ coi thi khi về những địa phương để tổ chức thi thưa ông? 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chúng tôi đã lường thấy cho nên công tác di chuyển của giám thị đã được quán triệt, tăng cường và hỗ trợ. Từ địa điểm mà các thầy, các cô ở trường đại học đến các điểm thi và đặc biệt hơn là các địa phương đã có chỉ thị với Sở Giao thông Vận tải là hỗ trợ trong chuyện đi lại. Đặc biệt là chỉ đạo các Sở Công an có kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn cho giám thị trong quá trình tổ chức thi tại địa phương. Và trong quá trình vận chuyển, mang bài thi về cơ sở chấm thì cũng có sự bảo đảm an toàn của công an các địa phương.

PV: Đề thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Vậy trong đề thi có phân biệt phần nào dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp và phần nào dành cho thí sinh thi để xét tuyển đại học cao đẳng không thưa ông?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó đến rất khó. Việc xét tốt nghiệp hay xét tuyển thì phụ thuộc vào bảng điểm. Ví dụ quy định điểm 10 thì đạt yêu cầu, 5 điểm thì tốt nghiệp. Thế còn trên nữa thì tùy theo từng trường. Có những trường lấy cao, có trường lấy thấp, thậm chí rất cao nhưng số người vào đông. Đấy là công việc của các trường xét tuyển. Nhưng về nguyên tắc, đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ và đảm bảo được những học sinh học những kiến thức rất cơ bản thôi thì đạt được đỗ. Còn vào đại học là rất khác nhau, hạn chế các trường hợp điểm rất cao nhưng không đỗ.

PV: Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, ông có chia sẻ gì với các thí sinh sẽ dự thi năm nay?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bao giờ trước khi thi cũng hồi hộp, tại thời điểm này các thí sinh cứ bình tĩnh bởi vì việc thi không phải là đỗ hay trượt mà đây là dịp để đo kiến thức từ thấp đến cao và những thí sinh học rất cơ bản thì đều đỗ tốt nghiệp cả. Những thí sinh có điều kiện, có nhu cầu thì sẽ vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay số thí sinh có nhu cầu vào đại học, cao đẳng thì giảm so với năm ngoái. Trong khi nhu cầu chỉ tiêu của các trường đại học vẫn còn cao, nên các thí sinh không cần phải quá lo lắng về việc trượt mà cứ bình tĩnh, tự tin nhưng phải hết sức nghiêm túc. Những thí sinh cứ nghĩ đến các chiêu trò thì thường xác xuất rủi ro bị trượt, hoặc bị những hình phạt rất nghiêm khắc.

Vâng, xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Minh Hường/VOV-Trung tâm Tin (vov.vn)

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang