Kinh nghiệm làm bài thi đại học (đợt 1)
03/07/2014
Tuổi Trẻ Online giới thiệu những dự đoán về các môn sẽ thi trong đợt 1 kỳ thi đại học (ngày 3, 4, 5-7) và những lời khuyên bổ ích của các giáo viên về cách tránh những sai sót không đáng có khi làm bài thi.
Môn toán: đề thi có thể thay đổi
Nhìn lại đề thi tốt nghiệp THPT 2014 có hai thay đổi so với mọi năm là: không còn phần tự chọn và không có câu số phức. Do vậy cấu trúc đề thi đại học năm nay cũng có thể thay đổi. Tuy nhiên trọng tâm kiến thức thường được phân bố như sau: khảo sát hàm số và những vấn đề liên quan (2 điểm), giải một phương trình lượng giác (1 điểm), đại số (2 điểm), tích phân (1 điểm), hình học không gian (1 điểm), hình học giải tích (Oxy và Oxyz) (2 điểm), câu hỏi về số phức hoặc giải tích tổ hợp hoặc phương trình, hệ phương trình mũ, logarit (1 điểm).
Các dạng toán thường gặp là:
- Toàn bộ các đề thi đều có câu khảo sát và vẽ đồ thị hàm số (hàm bậc 3, hàm bậc 4 hoặc hàm nhất biến) (1điểm)
- Phương trình lượng giác chủ yếu thực hiện vài phép biến đổi nhỏ để đưa về dạng A.B = 0. Cần chú ý đến cách giải phương trình asinx + bcosx = c và học thuộc các công thức lượng giác (1 điểm).
- Tính tích phân bằng phương pháp đổi biến hoặc từng phần. Đôi khi cần phân tích thành hai tích phân và cần xem lại cách tính tích phân của hàm số hữu tỉ (1 điểm).
- Chương trình nâng cao cần lưu ý đến các phép toán nhân, chia và lũy thừa dạng lượng giác của số phức. Chương trình chuẩn cần lưu ý đến dạng đại số của số phức, kiến thức về giải tích tổ hợp và xác suất. Khối B và D cần lưu ý cách giải phương trình, hệ phương trình, bất phương trình mũ hoặc logarit. Khối D cần lưu ý đến câu hỏi tìm giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất của hàm số trên [a; b]. (dạng toán đơn giản như kỳ thi tốt nghiệp) (1 điểm).
- Phần hình học giải tích trong không gian, cần lưu ý các công thức liên quan đến khoảng cách (từ một điểm đến đường thẳng, từ một điểm đến mặt phẳng, giữa hai đường thẳng chéo nhau). Các câu hỏi về tìm tọa độ điểm, phương trình đường thẳng và mặt phẳng trong không gian (1 điểm).
- Phần hình học không gian đề thi thường cho giả thiết liên quan đến góc. Do đó các thí sinh phải biết cách xác định các loại góc và đề thi luôn có câu tính thể tích và một câu liên quan đến khoảng cách (1 điểm) .
- Bài toán liên quan đến hàm số thường tập trung các vấn đề liên quan đến cực trị, sự tương giao, tiếp tuyến của đồ thị. Kiến thức phục vụ cho câu hỏi này rất đa dạng, do vậy thí sinh cần ôn tập kỹ (1 điểm).
Trong đề thi thường có các dạng toán nhằm phân loại thí sinh. Như phần hình học giải tích trong mặt phẳng (thường yêu cầu tìm tọa độ các điểm đặc biệt như tâm đường tròn, đỉnh của tam giác …), bài toán đại số (thường giải hệ phương trình, phương trình, bất phương trình) và bài toán tìm giá trị nhỏ nhất và giá trị lớn nhất của hàm số (3 điểm).
Không bỏ qua các bước biến đổi trung gian trong bài làm và phải kiểm soát được những gì mình viết ra. Vừa làm, vừa phải kiểm tra lại ngay kết quả tính toán cho từng câu. Phải có lập luận rõ ràng và chính xác trong từng bước làm. Đó là những bí quyết để có thể hoàn thành tốt bài thi trong thời gian cho phép.
TRẦN VĂN TOÀN
tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie
Môn hóa: đòi hỏi vận dụng kỹ năng
Những năm gần đây đề tuyển sinh đại học môn hóa học thông thường gồm 50% là bài tập lý thuyết và 50% là bài tập tính toán. Để làm tốt đề thi, các em cần ôn tập đầy đủ kiến thức trong sách giáo khoa (SGK), tránh sa đà vào các kiến thức không có trong SGK, vì chắc chắn đề thi không được phép ra ngoài chương trình SGK hiện hành đang học, ngoại trừ câu hỏi liên quan đến hóa học và đời sống đòi hỏi học sinh phải có vốn sống, biết liên hệ thực tế cuộc sống. Các em nên nhớ số câu hỏi lý thuyết thuần túy như trong sách vở chỉ chiếm một tỉ lệ không đáng kể của bài thi.
Điều cần khẳng định là qua khảo sát điểm số môn hóa học trong những kỳ tuyển sinh vừa qua, các thí sinh đều mất điểm ở hầu hết phần câu hỏi lý thuyết, ngay cả học sinh khá, giỏi, khiến điểm số không được tuyệt đối, trong khi các bài tập tính toán thường được các em khá, giỏi này giải quyết tương đối xuất sắc. Đặc biệt sai lầm phổ biến ở nhiều em là bỏ qua phần ứng dụng chất vì nghĩ không gặp trong đề thi khiến các em bị mất điểm. Tuy nhiên chỉ thuần túy học thuộc lý thuyết sẽ không giúp học sinh trả lời thành công các câu đòi hỏi biết vận dụng kỹ năng.
Đặc biệt đề thi luôn chắc chắn có các câu hỏi dạng đếm như đếm số phát biểu đúng; đếm số phản ứng tạo đơn chất, đếm số công thức cấu tạo phù hợp của chất hữu cơ... Trong trường hợp đếm số phản ứng tạo đơn chất, các em nên nắm quy luật của phản ứng oxy hóa khử để nhanh chóng nhận ra phản ứng tạo đơn chất.
Bài tập tính toán phần hóa vô cơ thường gắn liền với các định luật (bảo toàn khối lượng, bảo toàn electron, bảo toàn điện tích, bảo toàn nguyên tử các nguyên tố), trong khi bài tập tính toán phần hóa hữu cơ nếu có sử dụng thường là các định luật bảo toàn khối lượng hoặc bảo toàn nguyên tử các nguyên tố. Đặc biệt bài toán xác định thành phần phần trăm các chất trong hỗn hợp gồm các axit cacboxylic no và axit cacboxylic chưa no, hay hỗn hợp gồm axit cacboxylic, ancol và este nên dùng phương pháp đặt ẩn rồi lập hệ phương trình toán học, cuối cùng sẽ tìm được biểu thức quan hệ số C của các axit và kẻ bảng xác định số C mỗi axit.
Ngoài ra, các em nên làm lại đề thi của những năm trước. Đây là một cách ôn tập rất hiệu quả, vì lẽ các đề này chính là các “đề mẫu chuẩn”, hội đủ các dạng câu hỏi, bài tập khác nhau của một đề tuyển sinh đại học mà các em sẽ phải “đối đầu” trong thời gian tới. Cần tránh sai lầm khi cho rằng làm lại chúng là vô ích, vì các câu này ra rồi sẽ không ra lại. Nên nhớ ta làm không phải để hi vọng gặp lại chúng, mà là để tổng duyệt lại những kiến thức đã được tích lũy, đồng thời kiểm tra năng lực tư duy, kỹ năng giải các bài tập khó đang ở mức độ nào, đã thành thạo chưa?
Trong quá trình làm bài môn hóa học, lưu ý có những câu chỉ sử dụng phần dẫn sẽ không thể có câu trả lời do dữ kiện chưa đầy đủ. Đây là dạng câu hỏi không khó nhưng dễ gây lúng túng cho nhiều học sinh, vì thói quen hầu hết của các em là không đọc trọn vẹn hết câu (tức cả phần dẫn và phần trả lời), mà chỉ đọc xong phần dẫn đã cắm cúi làm, rồi hoang mang vì dữ kiện đã cho không đủ để giải. Với các câu kiểu này, phương pháp loại trừ là rất phù hợp.
Cuối cùng, với những bài tập tính toán còn nghi ngờ kết quả, hãy kiểm tra lại bằng cách thế đáp số tìm được vào đề để kiểm chứng với dữ kiện đề cho. Với những bài tập lý thuyết còn mù mờ phương án trả lời thì cố gắng loại trừ ở mức độ cao nhất. Cần lưu ý có một số mã đề vô tình có những câu khó xuất hiện đầu tiên và dồn dập, hãy bình tĩnh để chúng sang một bên và làm các câu dễ trước, cuối cùng mới quay lại các câu khó đó.
Chúc các em một mùa thi thành công rực rỡ.
Thầy NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ
(PHT Trường THPT Thành Nhân,TP.HCM)
Môn tiếng Anh: học hiểu, đừng học thuộc lòng
Đề thi ĐH năm nay có thể sẽ tương tự đề thi mọi năm, đó là nặng về ngữ pháp. Trước khi thi các em hãy chú trọng ôn các điểm ngữ pháp, nắm các cấu trúc câu, phân loại động từ, các từ loại, tiền tố, hậu tố... Cần hiểu rõ các từ vựng khi làm các bài tập điền từ. Đừng học thuộc lòng mà cần hiểu nguồn gốc của từ đó, các từ có quan hệ “gia đình” với nó, phân biệt các từ đồng nghĩa trong từng trường hợp cụ thể, đặc biệt quan tâm các từ chuyên môn của từng ngành để chọn từ cho phù hợp. Ở phần đọc hiểu, đề thi sẽ cho nhiều từ gần nghĩa nhưng trong các ngữ cảnh khác nhau, phải hiểu từ đó thì mới sử dụng đúng chỗ. Các em cần lưu ý ôn tập về các cấu trúc câu, giới từ, sự khác biệt giữa các động từ khi có và không có giới từ. Quan trọng nhất vẫn là ngữ cảnh, phải đọc hiểu cả câu để có thể chọn từ chính xác, bởi có nhiều từ khá giống nhau về nghĩa trong tiếng Anh. “In the end” sử dụng khác với “at the end”, hay “in time” dùng thể hiện ý nghĩa khác với “on time”. “To leave” ngoài nghĩa rời khỏi còn có thể dùng nghĩa “để lại”. “Company” không chỉ có nghĩa là công ty mà còn có nghĩa “bè bạn”. Cần nhớ các dạng động từ nguyên mẫu, động từ “hai chữ”, động từ có đuôi. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, khác với những năm trước, Bộ GD-ĐT đã ra đề viết bài luận. Chưa biết có bài luận trong đề thi đại học hay không, nếu có, khuyên các em nên tập viết các đề tài gần gũi với cuộc sống, chuẩn bị trước một số từ đặc thù của một số chủ đề nổi bật. Khi viết luận nên viết câu đơn vì xác suất sai sẽ ít hơn câu phức.
Thầy ĐOÀN THẾ OAI (GV Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM)
L.TRANG ghi (tuoitre.vn)