Bản tin » Hướng nghiệp - Chọn nghề

Hướng nghiệp cần đi trước một bước

21/12/2014

Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông rất quan trọng, giúp học sinh định hướng đúng trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng. Nhưng thực tế, các chương trình hướng nghiệp hiện nay không thật sự hiệu quả

Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được tiến hành theo 4 hướng là thực hiện đồng bộ qua việc dạy các môn văn hóa; lao động kỹ thuật và lao động sản xuất; qua hình thức sinh hoạt hướng nghiệp và hoạt động ngoại khóa. Từ đó, giúp học sinh (HS) có nhận thức đúng trong việc chọn ngành học và nghề nghiệp tương lai.

Khó và thiếu hiệu quả

Tuy nhiên, theo đánh giá của các trường THPT thì xét tất cả các phương diện, hoạt động hướng nghiệp cho HS rất khó và không hiệu quả.

Ông Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (TP HCM), cho rằng việc truyền thụ những nội dung kiến thức trọng tâm của các bộ môn văn hóa đã phải chịu một áp lực rất lớn về thời gian nên các giáo viên bộ môn rất ít hoặc gần như là không thể đề cập đến việc giới thiệu cho HS về một ngành học hay một nghề cụ thể. Ngoài ra, do hạn chế về kinh phí nên trang thiết bị nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục hướng nghiệp. Ngoài ra, chương trình giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường chưa thật sự phong phú và chưa thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết đội ngũ giáo viên làm hướng nghiệp ở các trường phổ thông hầu như không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nên khó hướng nghiệp hiệu quả cho HS. Hầu như ở các trường, HS được định hướng thi vào ngành này, trường kia chủ yếu là dựa vào học lực và khả năng đậu ĐH chứ không thể hướng các em chọn nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng, sở trường.

Nhiều hướng đi cần gợi mở sớm

Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc hướng nghiệp cần phải được chú trọng từ rất sớm chứ không thể đợi HS chuẩn bị vào ĐH mới chú ý hướng nghiệp. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5, TP HCM - cho rằng hướng nghiệp cho HS cần bắt đầu từ năm lớp 6. Ở bậc THCS, các em cần có khái niệm nghề nghiệp căn bản và ít nhất cũng có định hướng cho riêng mình để những HS sau THCS không học tiếp lên THPT mà đi học nghề cũng cần chọn được nghề phù hợp.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, hằng năm, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ trong các đợt thi 3 chung lên đến khoảng 2 triệu lượt. Con số khá lớn này một phần do việc đăng ký dự thi được tiến hành từ tháng 3, lúc này chưa thi tốt nghiệp THPT nên hầu hết HS đều sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi dù biết khó trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nếu HS biết kỳ thi ĐH, CĐ không phải là con đường duy nhất để trang bị kiến thức nghề nghiệp cho mình thì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm không đến mức quá tải như hiện nay.

TS Nghĩa dẫn chứng TP HCM có gần 120 trường ĐH, CĐ và TCCN. Quy mô đào tạo sau THPT tại TP lên đến 800.000 ở tất cả các loại hình và hệ đào tạo, bao gồm 280.000 sinh viên ĐH chính quy, khoảng 190.000 sinh viên ĐH vừa học vừa làm, 170.000 sinh viên CĐ chính quy, 30.000 sinh viên CĐ hệ vừa học vừa làm và 15.000 HS các trường TCCN và dạy nghề. Những hướng đào tạo sau khi hoàn tất chương trình lớp 12 rất đa dạng, từ lớp ngắn ngày cấp chứng chỉ cho đến các chương trình đào tạo dài hạn cấp bằng trung cấp, CĐ, ĐH.... “Điều quan tâm của thí sinh và phụ huynh là quyền lợi học tập, bằng cấp, học phí có phù hợp và đáp ứng mong muốn của thí sinh và phụ huynh hay không. Vì thế, công tác hướng nghiệp, chọn trường, chọn ngành cho HS sau THPT là cực kỳ quan trọng, cần thiết” - TS Nghĩa khẳng định.

TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM:

Hướng nghiệp vẫn là cốt lõi

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 với những sự thay đổi gần như toàn diện, công tác tư vấn hướng nghiệp càng phải được chú trọng. Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà 1. Hướng nghiệp là vấn đề lớn hơn và cần phải đi trước một bước. Nếu việc chọn lựa xuất phát từ năng lực, sở trường bản thân thì thường sẽ bền vững hơn. Việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này. Dù quy chế, chính sách tuyển sinh có thay đổi hay đổi mới nhưng vấn đề hướng nghiệp luôn là cốt lõi.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP HCM:

Chưa có tiêu chí cụ thể

Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông có vị trí rất quan trọng nhằm bồi dưỡng, hướng dẫn HS định hướng đúng trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng, sở trường nên cần được làm tốt từ rất sớm. Ở bậc THCS, đã có chương trình hướng nghiệp nhưng tâm lý xã hội và gia đình chưa quan tâm. Cái khó của chương trình hướng nghiệp hiện nay là vẫn chưa có bộ tiêu chí để xác định từng HS cụ thể phù hợp với ngành nghề nào. Hiện nay, việc chọn nghề của HS chủ yếu dựa vào tiêu chí là nghề đỡ vất vả, thu nhập cao.

Nguồn: nld.com.vn

Bản quyền 2008 - 2024 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang
Close [X]