Học viện Kỹ thuật Quân sự (ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn)
-
THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CHÍNH QUY NĂM 2025
*********

HỌC VIỆN KỸ THUẬT QUÂN SỰ
- Ký hiệu trường: KQH
- Địa chỉ: Số 236, đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
- Điện thoại: 069 515226.
- Email: tuyensinh@mta.edu.vn.
- Website: http://www.mta.edu.vn
Học viện tổ chức tuyển sinh đào tạo đại học 02 đối tượng: quân sự và dân sự. Thực hiện các phương thức tuyển sinh chung cho 2 đối tượng đào tạo.
Đối với đào tạo quân sự: Tuyển sinh chung 01 ngành “Chỉ huy, quản lý kỹ thuật”. Sau khi nhập học phân ngành theo chỉ tiêu đào tạo. Thí sinh sau khi nhập học, có quyết định nhập ngũ trở thành quân nhân trong Quân đội, được bảo đảm toàn bộ chi phí học tập, ăn, mặc, được Bộ Quốc phòng phân công ngành học, khi tốt nghiệp được phân công công tác.
Đối với đào tạo dân sự: Tuyển sinh theo 10 chương trình đào tạo/08 ngành. Thí sinh sau khi trúng tuyển trở thành sinh viên của Học viện, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm như sinh viên các trường đại học công lập trong cả nước.
Thông tin về ngành, chương trình, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh có tại mục 4
1. Đối tượng, điều kiện tuyển sinh
a) Tuyển sinh đào tạo quân sự
- Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 4 của năm tuyển sinh; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên, tính đến tháng 9 của năm tuyển sinh.
- Nam, nữ thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân).
- Yêu cầu về lý lịch chính trị rõ ràng đủ điều kiện kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Có đủ điều kiện về sức khỏe theo Quy định của Bộ Quốc phòng.
b) Tuyển sinh đào tạo dân sự
- Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức), bao gồm:
+ Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;
+ Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện, như sau:
+ Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định;
+ Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành;
+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định;
+ Không vi phạm pháp luật.
2. Phương thức tuyển sinh
Tổ chức tuyển sinh đại học quân sự và dân sự theo 04 phương thức:
- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
- Phương thức 2: Xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, chứng chỉ quốc tế.
- Phương thức 3: Xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
- Phương thức 4: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
2.1 Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển
a) Xét tuyển thẳng
- Đối tượng:
+ Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT.
+ Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học do Bộ GD&ĐT tổ chức, cử tham gia; tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, thời gian đạt giải không quá 03 năm tính tới thời điểm đăng ký xét tuyển thẳng.
+ Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức, cử tham gia có nội dung đề tài dự thi phù hợp với ngành đào tạo của Học viện; tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, thời gian đạt giải không quá 03 năm tính tới thời điểm đăng ký xét tuyển thẳng.
- Chỉ tiêu: Thực hiện theo phân bổ chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng.
b) Ưu tiên xét tuyển
- Đối tượng:
+ Thí sinh đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn HSG Quốc gia một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học; tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, thời gian đạt giải không quá 03 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
+ Thí sinh đạt giải Tư cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, có nội dung đề tài dự thi phù hợp với ngành đào tạo của Học viện; tốt nghiệp THPT trong năm tuyển sinh, thời gian đạt giải không quá 03 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
- Chỉ tiêu: Thực hiện theo phân bổ chỉ tiêu của Bộ Quốc phòng.
2.2 Phương thức 2: Xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, chứng chỉ quốc tế
a) Đối tượng:
Thí sinh đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt trong 3 năm học THPT và đạt một trong các tiêu chí như sau:
- Đối tượng 1: Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố các môn trong tổ hợp xét tuyển (Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, tiếng Anh).
- Đối tượng 2: Thí sinh đạt chứng chỉ SAT, ACT.
- Đối tượng 3: Thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, TOEFL
b) Điểm cộng các đối tượng học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế:
Thí sinh được cộng điểm khuyến khích, điểm thưởng (gọi chung là Điểm cộng) cho đối tượng này nhưng không được vượt quá 10%, mức tối đa của thang điểm xét (tương đương 3,0 điểm).
c) Nguyên tắc cộng Điểm cộng
Điểm cộng tối đa không vượt quá 3,0 điểm (theo thang điểm 30). Trong trường hợp vượt quá 3,0 điểm, Điểm cộng sẽ được quy thành 3,0 điểm.
- Đối với các thí sinh thuộc Đối tượng 1, Điểm cộng dao động trong khoảng từ 1,5 đến 3,0 điểm tùy theo thành tích giải.
- Đối với các thí sinh thuộc Đối tượng 2, Điểm cộng dao động trong khoảng từ 0,25 đến 3,0 điểm, tùy theo mức điểm đạt được của chứng chỉ SAT, ACT.
- Đối với các thí sinh thuộc Đối tượng 3, được quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế về thang điểm 10 của môn ngoại ngữ (dành cho các thí sinh được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ), điểm quy đổi dao động từ 8,50 điểm đến 10,0 điểm. Đồng thời, thực hiện Điểm cộng dao động từ 0,5 điểm đến 3,0 điểm tùy theo điểm chứng chỉ ngoại ngữ đạt được. Học viện sẽ công bố chi tiết Điểm quy đổi, Điểm cộng cho từng đối tượng khi có quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
2.3 Phương thức 3: Xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
a) Đối tượng: Thí sinh có kết quả thi ĐGNL năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
b) Quy đổi điểm: Kết quả thi của 2 đại học được quy đổi sang thang điểm 30 điểm để thực hiện xét tuyển chung với các phương thức khác. Việc quy đổi điểm được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2025 nhằm bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh.
Học viện sẽ công bố thông tin ngưỡng đầu vào, công thức quy điểm của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh... khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
2.4 Phương thức 4: Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Thực hiện xét tuyển các bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT theo 03 tổ hợp:
- Tổ hợp xét tuyển 1: Toán, Vật lý, Hóa học.
- Tổ hợp xét tuyển 2: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.
- Tổ hợp xét tuyển 3: Toán, Vật lý, Tin học.
Ghi chú: Thí sinh cần đăng ký tất cả các thông tin nếu đủ tiêu chí từng đối tượng, phương thức. Hệ thống xét tuyển sẽ tự động tính toán và lựa chọn điểm phương thức cao nhất là điểm xét tuyển.
3. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điểm trúng tuyển.
a) Ngưỡng đầu vào.
- Đối với phương thức 2, 3: Học viện sẽ công bố khi có quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
- Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Học viện sẽ công bố sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả điểm thi THPT năm 2025 và có quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
b) Điểm trúng tuyển
- Đối với tuyển sinh đào tạo kỹ sư quân sự: Điểm trúng tuyển xét theo từng chỉ tiêu khu vực miền Nam, miền Bắc (miền Bắc tính từ Quảng Bình trở ra, miền Nam tính từ Quảng Trị trở vào) và giới tính (thí sinh giới tính nam, giới tính nữ).
- Đối với tuyển sinh đào tạo dân sự: Điểm trúng tuyển xét theo từng chương trình đào tạo
4. Chỉ tiêu tuyển sinh:
5. Các thông tin cần thiết khác để thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo
5.1 Phạm vi tuyển sinh
Tuyển thí sinh nam, nữ trong phạm vi cả nước (63 tỉnh, thành phố), theo quy định của Bộ GD&ĐT.
5.2 Quy trình tuyển sinh
a) Tuyển sinh đào tạo quân sự
Để được tham gia các phương thức tuyển sinh của Học viện, thí sinh cần thực hiện đầy đủ 02 bước: Làm thủ tục sơ tuyển và Đăng ký xét tuyển, chi tiết 2 bước như sau:
Bước 1: Làm thủ tục sơ tuyển.
Thí sinh đăng ký sơ tuyển tại Ban chỉ huy Quân sự cấp quận (huyện) nơi thí sinh đăng ký thường trú và được kết luận đủ điều kiện về chính trị, văn hóa, sức khỏe, độ tuổi...
- Địa điểm làm thủ tục:
+ Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nơi thí sinh đăng ký thường trú (gọi chung là Ban TSQS cấp huyện).
+ Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (gọi chung là Ban TSQS cấp trung đoàn).
- Thời gian làm thủ tục: Thực hiện theo hướng dẫn của Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, từ ngày 01/4/2025 đến ngày 20/5/2025.
- Thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng, nộp cùng hồ sơ sơ tuyển 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ.
- Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).
Bước 2: Đăng ký xét tuyển.
- Đối với các thí sinh đạt tiêu chí xét tuyển theo các phương thức 1, 2 và 3 cần đăng ký online hoặc trực tiếp. Thời gian đăng ký dự kiến từ ngày 01/6/2025-30/6/2025.
Học viện sẽ có hướng dẫn chi tiết khi có Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
- Tất cả thí sinh cần phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) trên hệ thống tuyển sinh quốc gia vào Học viện KTQS, các nguyện vọng tiếp theo thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo hệ dân sự của Học viện hoặc các trường ngoài Quân đội để được xét tuyển. Thời gian đăng ký thực hiện theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm 2025.
b) Tuyển sinh đào tạo dân sự
- Đối với các thí sinh đạt tiêu chí xét tuyển theo các phương thức 1, 2 và 3 cần đăng ký online hoặc trực tiếp. Thời gian đăng ký dự kiến từ ngày 01/6/2025-30/6/2025. Học viện sẽ có hướng dẫn chi tiết khi có Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
- Tất cả thí sinh cần đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh quốc gia theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT năm 2025 để được xét tuyển.
- Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều chương trình đào tạo của Học viện theo các mã xét tuyển tương ứng. Thí sinh cần phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Chú ý: Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển. Hội đồng tuyển sinh có quyền từ chối tiếp nhận, không xét tuyển hoặc buộc thôi học trong trường hợp thí sinh đã được công nhận nhập học nếu phát hiện thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
6. Tổ chức tuyển sinh
6.1 Hồ sơ đăng ký
Thí sinh đăng ký xét tuyển theo Phương thức 1, Phương thức 2 và Phương thức 3 cần scan, hoặc chụp ảnh hồ sơ đăng ký xét tuyển để cập nhật hồ sơ bằng hình thức online hoặc trực tiếp. Học viện sẽ thu bản gốc khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Chi tiết hồ sơ cụ thể cho từng phương thức như sau:
a) Hồ sơ đăng ký Xét tuyển thẳng
- Phiếu đăng ký xét tuyển thẳng.
- Bản photo chứng thực minh chứng thuộc diện xét tuyển thẳng (Giấy chứng nhận Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, giấy chứng nhận đạt giải kỳ thi HSG cấp Quốc tế, giấy chứng nhận đạt giải kỳ thi HSG cấp Quốc gia, giấy chứng nhận đạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia).
b) Hồ sơ đăng ký Ưu tiên xét tuyển
- Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển.
- Bản photo chứng thực minh chứng thuộc diện ưu tiên xét tuyển (Giấy chứng nhận đạt giải Kỳ thi HSG cấp Quốc gia, giấy chứng nhận đạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia).
c) Hồ sơ đăng ký học sinh giỏi bậc THPT, chứng chỉ quốc tế
- Phiếu đăng ký
- Học bạ bậc THPT.
- Giấy chứng nhận đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; chứng chỉ SAT, ACT; chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL.
d) Hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh
- Phiếu đăng ký.
- Giấy chứng nhận kết quả thi của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
6.2 Thời gian, hình thức đăng ký
- Thời gian: Dự kiến từ ngày 01/6/2025 đến 30/6/2025.
- Hình thức đăng ký: Đăng ký online hoặc trực tiếp. Học viện sẽ có hướng dẫn sử dụng chi tiết việc đăng ký, khai báo và cập nhật thông tin cá nhân, thông tin hồ sơ xét tuyển, và tương tác với hệ thống.
- Trong trường hợp thí sinh không thể đăng ký online, thí sinh gửi hồ sơ trực tiếp về địa chỉ: Phòng Đào tạo/Học viện Kỹ thuật quân sự, số 236, Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
7. Tổ chức xét tuyển
Chi tiết về thứ tự xét các đối tượng thuộc diện xét tuyển thẳng; xét tuyển diện ưu tiên xét tuyển; công thức tính điểm ưu tiên, tổng điểm xét tuyển và sử dụng tiêu chí phụ xét cho các thí sinh bằng điểm xét trúng tuyển... Học viện sẽ thông báo chi tiết khi có quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
8. Chính sách ưu tiên
- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thực hiện theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.
- Khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên: Thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
a) Ưu tiên theo khu vực
- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm, khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.
- Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp), nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.
- Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:
+ Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định.
+ Học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo) và Thủ tướng Chính phủ, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ), các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
+ Quân nhân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn, nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ.
+ Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
b) Ưu tiên theo đối tượng chính sách
- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm.
- Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.
- Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách quy định tại các điểm a, b khoản này chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
- Các mức điểm ưu tiên được quy định trong Điều này tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số); trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.
- Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30,0 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại các mục 8.a và 8.b
Các thí sinh đạt tổng điểm nhỏ hơn 22,5 (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30 điểm) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = Điểm ưu tiên khu vực + Điểm ưu tiên chính sách.
Trong đó Điểm ưu tiên khu vực, Điểm ưu tiên chính sách được quy định tại các mục 8.a và và 8.b.
9. Lệ phí xét tuyển
Lệ phí xét tuyển thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
10. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh
a) Học phí và lộ trình tăng học phí
- Đối với học viên quân sự: Khi thí sinh trúng tuyển và nhập học trở thành học viên của Học viện, học viên được bao cấp toàn bộ về kinh phí đào tạo, đồng thời được nhận phụ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
- Đối với sinh viên dân sự: Sinh viên đào tạo dân sự được hưởng điều kiện học tập như học viên đào tạo quân sự. Năm 2025, học phí theo quy định của Nhà nước đối với trường đại học công lập, 18.500.000/năm.
b) Giải quyết rủi ro, khiếu nại
Học viện cam kết bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro (nếu có) theo pháp luật hiện hành và Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
11. Quyền lợi của học viên, sinh viên
a) Đối với học viên quân sự
- Học viên vào đào tạo kỹ sư quân sự tại Học viện KTQS được Bộ Quốc phòng phân công ngành học; được bảo đảm mọi điều kiện về quân trang cá nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho học tập; được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ tết theo quy định; thân nhân được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định.
- Đối với Học viên đào tạo chất lượng cao: Học viên được học tập theo chương trình chất lượng cao liên kết giữa Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn và Đại học công nghệ Sysney, Australia (UTS) trên cơ sở công nhận tín chỉ, sau 3 năm học tập tại Học viện sẽ được lựa chọn học tập tại Đại học công nghệ Sysney, Australia (UTS), được Bộ Quốc phòng phân công công tác.
- Đối với Học viên đào tạo nước ngoài: Năm 2025, Học viện tuyển 180 chỉ tiêu đào tạo nước ngoài. Sau 1 năm học tập tại Học viện, học viên sẽ được học tập tại các nước Nga, Pháp, Nhật, Úc, Sec, Trung Quốc… được cơ sở đào tạo cấp bằng, được Bộ Quốc phòng phân công công tác.
- Những học viên có kết quả học tập xếp loại xuất sắc, loại giỏi có cơ hội được nhận Học bổng Lê Quý Đôn và khen thưởng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
- Học viên khi tốt nghiệp, được Bộ Quốc phòng phong quân hàm sĩ quan và phân công công tác trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của các học viện, trường, viện nghiên cứu, các cơ sở công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Viettel…; trở thành cán bộ phụ trách công tác bảo đảm kỹ thuật cho các quân, binh chủng, đơn vị quân đội: Quân chủng Phòng không – Không quân, Hải quân, Tác chiến không gian mạng, Cảnh sát biển… được hưởng lương, các chế độ, tiêu chuẩn nhà công vụ theo quy định.
b) Đối với sinh viên dân sự
- Được công nhận vào học đúng ngành, nghề đã đăng ký dự thi nếu đủ các Điều kiện trúng tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của Học viện. Sinh viên có cơ hội học tập theo chương trình đào tạo hợp tác với các trường đại học nước ngoài như Đại học công nghệ Sydney, Australia (UTS), và một số trường đại học khác như Đại học Dublin, Ailen (UCD)...
- Được sử dụng cơ sở học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện thể lực như các học viên quân sự:
+ Sử dụng hệ thống thư viện, các trang thiết bị và phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.
+ Tham gia nghiên cứu khoa học, thi sinh viên giỏi, thi Olympic các môn học, thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật.
+ Đăng ký dự tuyển đi học, tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi sinh viên ở nước ngoài, học chuyển tiếp ở các trình độ đào tạo cao hơn theo quy định hiện hành.
+ Tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam. Tham gia các tổ chức tự quản của sinh viên, các hoạt động xã hội có liên quan ở trong và ngoài Học viện theo quy định của pháp luật.
+ Sử dụng các dịch vụ công tác xã hội hiện có của Học viện (bao gồm các dịch vụ về hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, ...).
- Được hưởng các chế độ, chính sách, được xét nhận học bổng khuyến khích học tập; xét miễn giảm học phí. Được hưởng mức giá sinh viên khi sử dụng các dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa theo quy định của Nhà nước.
- Được góp ý kiến, tham gia quản lý và giám sát hoạt động giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, kiến nghị các giải pháp góp phần xây dựng và phát triển Học viện.
- Sinh viên đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị toàn cầu, các chứng chỉ, bảng điểm học tập và rèn luyện, các giấy tờ liên quan và giải quyết các thủ tục hành chính khác; có cơ hội trở thành kỹ sư nghiên cứu, phát triển (R&Đ), vận hành khai thác tại các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước như Viettel, Nissan, VNPT, FPT, Samsung, Toyota... và cơ hội học tập ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Học viện cũng như các trường đại học trong và ngoài nước./.