Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Học phí mập mờ, thí sinh hoang mang

29/03/2012

 

Các trường THPT đã thực hiện thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) được nửa tháng, nhưng nhiều học sinh nông thôn vẫn còn loay hoay với việc tìm thông tin, nhất là thông tin về học phí của các trường.

 

“3 công khai” nhưng mới được 1

 

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, khu vực miền Bắc có 13 trường ĐH và 7 trường CĐ, khu vực phía Nam có 25 trường ĐH và 12 trường CĐ chưa công bố thông tin về học phí trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh 2012”.

 

Ngoài ra, trên trang web của hầu hết các trường này đều chưa có thông tin học phí và một số thông tin khác về chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành, còn điều kiện và phương thức tuyển sinh được “khai báo” khá mù mờ.

 

Trong số đó, một số trường công lập, trường top đầu, trường quốc tế không công khai học phí như: ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Tài chính Ngân hàng Hà Nội, ĐH Hoà Bình, ĐH Thái Nguyên (gồm 7 trường thành viên và 2 khoa trực thuộc), ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM…

 

Một số trường ngoài công lập có mức học phí hàng năm rất cao thì năm nay cũng “lờ” thông báo như: ĐH FPT, ĐH Hoa Sen, ĐH Tân Tạo, ĐH RMIT, ĐH Quốc tế Sài Gòn….

 

Trước tình trạng trên, Bộ GDĐT đã có công văn yêu cầu các trường chưa công bố thông tin trên cuốn “Những điều cần biết…” cần thực hiện ngay việc đăng thông tin học phí trên website của trường và gửi công văn về Vụ Giáo dục ĐH trước ngày 25.3.

 

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - bà Hoàng Thị Lan Phương cho biết: “Hiện tại, Vụ vẫn chưa nhận được báo cáo của các trường về học phí”. Còn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GDĐT đã cấp cho mỗi trường một account trên website của Bộ để cập nhật thông tin còn thiếu về ngành, nghề, chỉ tiêu và học phí nhưng các trường vẫn chưa thực hiện nghiêm túc.

 

Làm khó học sinh nông thôn

 

Việc các trường không công khai học phí khiến nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh nông thôn hoang mang vì sợ rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi trót trúng tuyển vào trường sau đó mới biết là học phí cao không kham nổi.

 

Em Trần Thu Anh - học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cho biết: “Với những bạn nhà khá giả thì chọn trường theo sở thích, phù hợp với khả năng. Nhưng đối với học sinh nghèo như em thì vấn đề học phí vô cùng quan trọng. Nhiều bạn trong lớp em cũng quyết định thi vào trường quân đội, sư phạm mặc dù không thích nhưng vì trường đó được miễn học phí…”.

 

Thông tư số 09/2009 (thực hiện “3 công khai”) của Bộ GDĐT quy định rõ các trường phải công khai về: Học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; mức học phí dự kiến cho cả khóa học; chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp...Thông tin này phải công bố trên trang web của trường và trong cuốn “Những điều cần biết…” trước thời gian tuyển sinh.

 

Hiện khung học phí của trường công lập ở mức 180.000-360.000 đồng/tháng, tuy nhiên nhiều trường đã “đẩy” học phí lên 500.000-700.000 đồng/tháng. Trường ĐH dân lập học phí trung bình khoảng 1 triệu đồng/tháng. Còn các ngành học liên kết đào tạo với các trường ĐH nước ngoài thì học phí tính bằng USD.

 

Theo cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên Trường Bán công Tiền Hải (Thái Bình), do không nắm rõ thông tin học phí, tại Trường THPT Bán công Tiền Hải đã từng có vài học sinh phải bỏ trường học đã trúng tuyển vì không kham nổi học phí và các chi phí học tập.

 

Một số chuyên gia giáo dục thì cho rằng, do Bộ GDĐT chưa có chế tài đủ mạnh để quản lý các trường thực hiện việc công khai học phí nên các trường vẫn cố tình giấu thông tin mặc dù biết như thế là sai luật. Ông Nguyễn Hải Bình - cựu giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: “Nếu Bộ GDĐT không cương quyết buộc các trường phải công khai thì chỉ có thí sinh chịu thiệt”.

 

Tùng Anh - Nguyễn Mai

Nguồn: danviet.vn

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang