Giảm chỉ tiêu không chính quy, nhiều trường tiếc
25/12/2011
Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngân sách 2012 khối các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT diễn ra tại Hà Nội hôm qua 24-12, khi được biết chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa học vừa làm sẽ tiếp tục giảm, đại diện nhiều trường đề nghị Bộ nên “giữ ổn định” vì lo thu nhập của cán bộ, giảng viên giảm.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2011 toàn ngành đã thực hiện chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa học vừa làm (VHVL), liên thông, văn bằng hai bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Năm 2012, chỉ tiêu tuyển sinh mới hệ không chính quy của các trường sẽ tiếp tục giảm, chỉ bằng 50% so với chỉ tiêu tuyển mới hệ chính quy. Đặc biệt, các trường ĐH không được phép đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp mà chỉ được tuyển sinh để đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên.
Mặc dù việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là một nội dung nhỏ trong kế hoạch ngân sách của các cơ sở đào tạo công lập nhưng dễ nhận thấy nó được nhiều đại biểu quan tâm. Phần thảo luận, dù chỉ có 7 đại biểu đóng góp ý kiến nhưng đã có 4 đại biểu đề cập vấn đề này. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh nói: “Về lương thì đúng là năm sau có cao hơn năm trước nhưng thu nhập thực tế không cao hơn. Khi số sinh viên hệ VHVL ít đi thì rõ ràng thu nhập từ dạy thêm của cán bộ giảng dạy có giảm và điều đó sẽ là khó khăn chung cho nhà trường”.
Còn bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP HCM công nhận chủ trương cắt giảm chỉ tiêu đào tạo không chính quy là một xu thế chung được xã hội ủng hộ. Tuy nhiên Bộ nên cân nhắc, không phải ngành nào cũng yêu cầu cắt giảm chỉ tiêu không chính quy. Ngành luật chẳng hạn, đào tạo tại chức và văn bằng 2 là một thực tiễn đào tạo của các nước trên thế giới. Ngoài ra trong việc phân bổ chỉ tiêu không chính quy Bộ nên chia theo chuyên ngành đào tạo mà không nên chỉ đưa ra tổng chỉ tiêu. Bà Quỳ giải thích: “Nếu chỉ phân bổ tổng chỉ tiêu thì sẽ dẫn đến mất cân đối trong đào tạo, chỉ tiêu sẽ được dồn vào những ngành dễ tuyển sinh trong khi sự phát triển của xã hội đòi hỏi đào tạo những ngành học tuy cần có người học nhưng học khó quá nên không ai vào”.
Ngược lại, ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì ủng hộ việc Bộ siết chặt chỉ tiêu VHVL, nhưng “xem xét” cho chỉ tiêu chính quy. Lý do là các trường đang từng bước hội nhập quốc tế thông qua đào tạo theo tín chỉ, việc giữ nhiều chỉ tiêu đào tạo hệ VHVL sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn, theo ông Nam, “thu nhập của cán bộ, giảng viên từ việc dạy sinh viên hệ VHVL cũng không cao lắm”. Để thuận lợi cho công tác tuyển sinh 2012 của các trường, đặc biệt là thu nhập của cán bộ, nếu chỉ tiêu tuyển sinh chính quy các trường xác định vượt lên không nhiều lắm so với các chỉ số Bộ đề ra thì Bộ nên xem xét, cho các trường được “giữ ổn định”.
Chỉ duy nhất một đại biểu bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối chủ trương bằng mọi giá đảm bảo chất lượng, ông Lê Văn Thành, hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng. Ông Thành cho biết: “Có lẽ trường ĐH Xây dựng là một trong số ít những trường can đảm tự cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy. Chẳng hạn năm 2008 chúng tôi xin 3.500 chỉ tiêu, năm 2009 chúng tôi chủ động xin giảm xuống còn 2.800”.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Tăng trưởng chủ yếu dựa vào chất lượng, tăng trưởng phải bền vững, ưu tiên chất lượng tăng trưởng. Theo ông Luận, vấn đề phải quan tâm của các cán bộ giảng viên không chỉ là đòi hỏi thu nhập năm sau phải tốt hơn năm trước mà còn phải làm sao để chất lượng giảng dạy của mình năm sau phải tốt hơn năm trước.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: “Đà Nẵng tuyên bố không tuyển tại chức, Nam Định và một vài tỉnh nữa tuyên bố không tuyển ngoài công lập. Nhiều bí thư tỉnh nói với tôi, họ không tuyên bố nhưng họ cũng không tuyển tại chức. Người ta có thể nói là các nơi ấy làm sai luật. Nhưng chúng ta, những người làm ra sản phẩm thì phải nghiêm túc để nhìn nhận là có vấn đề rất nghiêm trọng về vấn đề tổ chức quản lý và chất lượng. Chúng ta không thể mang luật ra để cãi… Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Quy mô của chúng ta phát triển quá nóng. Trong 10 năm liên tục vừa rồi năm nào cũng tăng trưởng 10%. Phát triển tích tụ nóng như vậy về mặt chỉ tiêu thì chúng ta sẽ phải trả giá. Các đồng chí thấy đấy, cái giá phải trả là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn đại biểu quốc hội càng ngày càng vất vả. Vất vả cũng đúng thôi, bởi tự mình cũng thấy không hài lòng với mình rồi…”
Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm 1/3 tổng chỉ tiêu
Dự kiến năm 2012 tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy trên cả nước là 576.000. Trong đó nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng chiếm tỉ trọng cao nhất: 32% (184.300 chỉ tiêu). Nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ cũng chiếm tỉ trọng cao gần tương đương: 30% (172.800 chỉ tiêu). Các nhóm ngành còn lại cụ thể như sau: Sư phạm 9,5%; Khoa học Tự nhiên & Xã hội Nhân văn 9%: Nông Lâm Ngư 7,5%; Y Dược 7%; Nghệ thuật - TDTT 5%.
|
Quý Hiên
Nguồn: tienphong.vn