Bản tin » Thi cử - Tuyển sinh

Đại học ngoài công lập lo không có thí sinh vào học

08/08/2012

 

Với mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần trăm nghìn thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

 

Bộ GD-ĐT vừa công bố mức điểm sàn ĐH khối A, A1: 13,0 điểm; khối B: 14,0; khối C: 14,5 và khối D: 13,5.

 

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo nhiều trường đại học không chỉ công lập mà cả ngoài công lập cũng tán thành với mức điểm sàn trên bởi như vậy mới giữ được chất lượng đầu vào đại học. Ông Ngô Xuân Hà, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thành Đô, thành viên Hội đồng điểm sàn cho biết: “Phương án điểm sàn Bộ đưa ra là rất hợp lý, mức điểm sàn đại học phải đạt ngưỡng như vậy, không thể thấp hơn. Mặc dù hàng năm, trường chúng tôi không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng chấp nhận để đảm bảo chất lượng đầu vào”.

 

ĐH ngoài công lập sẽ ít thí sinh vào học?

 

Với mức sàn năm nay sẽ có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 và còn gần trăm nghìn thí sinh đạt điểm bằng sàn và trên sàn không đỗ NV1 tham gia xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường đại học ngoài công lập lại lo lắng không có thí sinh vào học.

 

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho rằng: “Mức điểm này các trường ngoài công lập lại tiếp tục gặp khó khăn mặc dù thời gian xét tuyển kéo dài. Hơn nữa, nhiều trường đại học công lập cũng lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển bằng sàn và sát sàn như vậy thì các trường dân lập chúng tôi làm gì có học sinh vào học”.

 

Đưa ra giải pháp để cứu cánh cho các trường đại học ngoài công lập, ông Nghị đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần có giải pháp cho các trường ngoài công lập là yêu cầu các trường đại học công lập lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển trên sàn và chỉ để các trường đại học dân lập xét bằng điểm sàn vì hiện nay ở Việt Nam sự phân biệt khoảng cách giữa trường công và tư còn rất lớn”.

 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phú Xuân (Huế) cho rằng, thời gian xét tuyển kéo dài chỉ có lợi cho các trường ĐH công lập. Với mức điểm sàn năm nay các trường ĐH dân lập sẽ gặp khó khăn, thậm chí ít thí sinh vào học, hơn nữa năm nay không được vận dụng điều 33 để tuyển thí sinh thì lại càng ít thí sinh đăng ký hơn.

 

“Các trường ĐH công lập được nhà nước ưu ái nhiều thì nên lấy điểm chuẩn và xét tuyển trên điểm sàn, như vậy các trường ngoài công lập mới có thí sinh vào học và thực hiện việc xã hội hóa giáo dục tốt hơn” - ông Ngộ đề nghị.

 

Ông Hoàng Hữu Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cũng lo sợ mức điểm năm nay không tuyển đủ chỉ tiêu vì năm trước với mức điểm sàn như vậy trường chỉ tuyển được nửa chỉ tiêu và đành chuyển mức chỉ tiêu còn thiếu sang tuyển hệ liên thông.

 

Trường có uy tín đảm bảo sẽ tuyển đủ chỉ tiêu

 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, mức điểm sàn năm nay là để tạo điều kiện cho các trường có nhiều nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng đầu vào. Với khối A và A1 là 13 điểm, theo thống kê của Bộ sẽ có khoảng 125.000/167.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối B điểm sàn là 14, có 29.000/32.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối C, điểm sàn là 14,5, có khoảng 19.000/22.700 thí sinh trúng tuyển NV1. Khối D, điểm sàn là 13,5 có khoảng 45.000/57.000 thí sinh trúng tuyển NV1.

 

Trước ý kiến với mức điểm sàn năm nay nhiều trường đại học ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, Thứ trưởng Ga cho cho hay: “Khi tính toán điểm sàn, Bộ đã để số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu. Có khối thi đã dư hàng chục lần. Vì vậy, trường công lập không thể tuyển hết nguồn thí sinh. Với mỗi khối thi, tỷ lệ thí sinh còn dôi dư so với chỉ tiêu thấp nhất cũng gấp 1,7 lần. Như vậy, các trường ngoài công lập không lo không đủ nguồn tuyển. Điều quan trọng là các trường có đủ chất lượng và uy tín để thu hút các em hay không”.

 

Điểm mới trong tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT quy định, căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển,không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui địnhđiểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn; bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm. Với thay đổi mới năm nay, giúp các trường và thí sinh có nhiều cơ hội, đảm bảo những thí sinh đủ điểm sàn đều có cơ hội học ĐH.

 

Hồ sơ đăng ký xét tuyển: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao có công chứng theo qui định của từng trường) và 01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh trúng tuyển nhập học, phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (nếu chưa nộp trong hồ sơ ĐKXT).

 

Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.

 

Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.

 

Các trường quy định việc nhận bản gốc hay bản sao có công chứng Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trong hồ sơ ĐKXT.

 

Hồng Hạnh

(dantri.com.vn)

 

 

Bản quyền 2008 - 2025 @ Thongtintuyensinh.vn
Hosting @ MinhTuan

Trang chủ Giới thiệu Liên hệ Về đầu trang