Công bố những ngành khó tìm việc
09/03/2012
Nhiều ngành trong diện “cảnh báo sớm” và nhiều ngành được khẳng định đã rơi vào “khủng hoảng thừa” khi người tốt nghiệp không có việc làm mà thí sinh và cả các trường vẫn nháo nhào đòi đăng ký tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT vừa công khai cơ cấu ngành nghề trong đào tạo để nhắc nhở thí sinh, phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp tương lai.
Giảm chỉ tiêu tuyển sinh các ngành kinh tế
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2011 có hơn nửa triệu SV CĐ, ĐH nhập học. Trong số này, các khối ngành kinh tế chiếm áp đảo về số lượng thí sinh trúng tuyển. 248/416 trường (tỉ lệ 59,62%) tuyển sinh một trong bốn ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán.
Ngoài ra, sự bất hợp lý còn nằm ở chỗ chỉ tiêu các trường phân bổ cho các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu, chỉ còn 62% cho tất cả các ngành đào tạo khác.
Bình quân trong ba năm (2009-2011), số thí sinh đăng ký vào bốn ngành này chiếm xấp xỉ 41% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Theo ông Nguyễn Văn Áng - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu các trường đăng ký cho các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán hiện đang chiếm áp đảo, tạm thời vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu xu hướng này tăng dần lên quá 50% chỉ tiêu đào tạo chung thì không tránh được tình trạng khó tìm được việc làm sau khi ra trường.
Sự mất cân đối cơ cấu ngành nghề theo hướng nghiêng hẳn về các ngành kinh tế của các năm trước buộc bộ phải siết chặt lại chỉ tiêu đối với các ngành này, ngăn nguy cơ khủng hoảng thừa của 5-7 năm sau khi thế hệ SV trúng tuyển từ năm 2012 ra trường. Theo đó, năm 2012, bộ “gia hạn” cho tất cả các trường chỉ được đăng ký 184.300 chỉ tiêu ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng trong tổng số 576.000 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ nhằm kéo chỉ tiêu cho khối ngành này xuống dưới 32%.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến gần đây cũng như trong nhiều hội nghị có bàn đến cơ cấu đào tạo ngành nghề, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định sẽ gắn việc đào tạo của cơ sở giáo dục với nhu cầu của nền kinh tế, với tổng thể quy hoạch nguồn nhân lực cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, giải pháp này chỉ có thể khả dĩ ở việc quy hoạch ngành nghề, chứ gắn đào tạo với quy hoạch vùng chỉ là “vẽ ra cho vui”. “Làm sao thực hiện được việc phân bổ quy mô đào tạo theo quy hoạch vùng? Thí sinh học ở Thái Nguyên rồi vào làm ở TP.HCM, từ Quảng Ninh vào Đà Nẵng là hết sức bình thường” - một chuyên gia giáo dục phân tích.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trước sự mất cân đối ngành nghề ngay từ khâu đào tạo, bộ đang rà soát toàn bộ những trường hiện có, có cảnh báo cụ thể những ngành nào khuyến khích tạo điều kiện để mở và những ngành nào ở đâu sẽ không cho mở nữa. Đó chính là lý do bộ đã giao dần quyền tự chủ chỉ tiêu, quyền thẩm định nội dung chương trình cho các trường, nhưng riêng quyết định mở ngành, tất cả các trường đang và sẽ tiếp tục buộc phải xin phép và chờ bộ thông qua. Không lâu nữa, bộ cũng sẽ công khai trên mạng Internet số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành nghề, khu vực, số lượng đang học, sắp ra trường để thí sinh chuẩn bị thi tìm lựa ngành nghề xã hội thật sự đang cần, đang thiếu.
Trung cấp dược, điều dưỡng: cung vượt cầu
Không chỉ giảm dần chỉ tiêu như giáo dục ĐH, CĐ áp dụng với khối ngành kinh tế, giáo dục trung cấp thậm chí đã không cho các trường mở thêm những ngành tưởng “hot” nhưng lại đang rất thiếu việc làm.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, trong hệ thống đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hiện đang xảy ra tình trạng thừa nguồn nhân lực thuộc các ngành kế toán, dược, điều dưỡng. Đặc biệt, đối với ngành đào tạo dược, điều dưỡng trình độ trung cấp, tình trạng thừa nhân lực đang có xu hướng rất trầm trọng. Theo tiết lộ của lãnh đạo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có ý kiến chính thức với Bộ GD-ĐT về tình trạng đào tạo trung cấp dược, điều dưỡng tràn lan ở nhiều trường khiến nguồn lực vượt quá xa nhu cầu thực tế trong nước.
Đặc biệt, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, bản thân các cơ sở đào tạo cũng không đáp ứng, không bảo đảm được điều kiện học tập cho học sinh. Đến kỳ thực tập, số học viên này được gửi đến các bệnh viện học việc thậm chí bị từ chối vì bệnh viện quá tải... người thực tập. Trong hai năm trở lại đây, công việc của các ngành này cũng không còn dồi dào như trước. Rất nhiều học viên tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, dược ra trường không có việc làm, đành ngậm ngùi xin về làm... công nhân những nhà máy gần nhà.
Hiện tại quy mô đào tạo của toàn hệ thống giáo dục trung cấp là 685.000 học sinh. Mỗi năm các trường tuyển mới 300.000 học sinh, trong đó năm 2011 riêng chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành dược, điều dưỡng trình độ trung cấp của các trường đã lên đến 85.000 người. Theo đó, bộ yêu cầu các trường rà soát lại, giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành này, nhất là ở thành phố lớn. Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2012, bộ cũng đã từ chối việc mở ngành đào tạo điều dưỡng, dược trình độ trung cấp đối với năm trường có ý định mở mới những ngành này.
NGỌC HÀ
Khó tìm người học chương trình hạt nhân
Tại buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân lo ngại hiện các chương trình đào tạo về hạt nhân khó tìm được người học, kể cả đi học nước ngoài. Theo ông Quân, việc tuyển sinh, chế độ học bổng, cơ hội việc làm và thu nhập của ngành này nếu không công khai và không ưu đãi tốt sẽ khó thu hút người học.
“Tương tự như vậy, những ngành khoa học công nghệ cao cũng phải có những ưu đãi để thu hút những nhân tài yên tâm làm khoa học và đóng góp cho đất nước” - ông Quân nói. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT đã giao cho Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) triển khai đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân theo mô hình tiên tiến.
HÀ BÌNH
|
Nguồn: tuoitre.vn