Cảnh giác với giấy báo trúng tuyển!
22/07/2014
Chưa hết buồn chán vì không đạt nguyện vọng trong kỳ thi đại học, cao đẳng nhiều thí sinh lại choáng vì “ngập” trong giấy báo trúng tuyển của nhiều trường đại học, cao đẳng. Trong mớ hỗn độn này, nếu cân nhắc và lựa chọn cẩn thận, các em vẫn có thể mở được một hướng đi cho tương lai...
“Bội thực” giấy báo!
Thời điểm này, khi nhiều trường đại học có thương hiệu đang tất bật cho các công việc: Công bố điểm, thông báo trúng tuyển và chuyện “hậu cần” của một mùa khai trường mới thì các trường “chiếu dưới”, cao đẳng, trung cấp nghề,... cũng bận rộn không kém. Trong đó, mục tiêu trọng điểm là rải thật nhiều giấy báo trúng tuyển cho thí sinh khắp mọi miền đất nước với mục đích thu hút được càng đông học sinh càng tốt.
Lê Văn Kỳ ở thôn Yên Lai, xã Trường Giang (Nông Cống – Thanh Hóa) thi trượt Học viện An ninh nhân dân với số điểm 18. Biết là vẫn còn cơ hội chọn lựa một trường “chiếu dưới” với điểm số qua mức sàn khối A nhưng Kỳ thực sự bất ngờ vì đến thời điểm này em đã nhận được 7 giấy báo trúng tuyển. Trong giấy báo gọi nhập học của Trường A, Hà Nội, Kỳ được nhập học với các yêu cầu: Mang theo thư mời, sơ yếu lý lịch và 2 ảnh chân dung. “Em ngạc nhiên vì trước đây khi nhập học vào Đại học Hồng Đức, chị gái em phải nộp cả học bạ, giấy báo điểm và nhiều loại giấy tờ khác” - Kỳ cho biết.
Ngoài các trường “chiếu dưới’ tích cực chiêu mộ học sinh, các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ, kế toán,... cũng chạy đua sôi nổi. Em Lê Thu Hà ở xã Diên Hồng (Thanh Miện – Hải Dương) cho biết: “Trong số 6 giấy báo nhập học của em, chỉ có giấy báo của Trường Đại học Công nghệ Đông Á ghi thông tin có liên kết đào tạo liên thông lên đại học chính quy với Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Thăng Long, còn tất cả các giấy mời khác thông tin về chuyên ngành và trình độ đào tạo rất mập mờ, mức học phí cũng không công bố rõ ràng. Em trượt Đại học Sư phạm Hà Nội, với điểm số 17 em có thể vào nhiều trường khác nhưng với mớ giấy báo này, em lại thêm hoang mang”.
Đãi cát...
TS. Lê Thanh Mai – Phó Trưởng ban Đại học và sau đại học (Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Các em không nên có tâm lý chờ thi lại năm sau mà nên chọn ngành học gần giống ngành mình thi ở các trường khác, học liên thông, học nghề cũng là một trong những phương pháp lựa chọn để đi đến đích”. Tuy nhiên, TS. Mai cũng đưa ra lời khuyên, thí sinh nên thận trọng trước những cơ hội trúng tuyển quá dễ dàng. Việc tìm hiểu kỹ thông tin để các em không trở thành “con mồi” cho các trường thiếu uy tín.
Chung quan điểm này, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục - khoa học Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh năm nay cả nước còn tới hàng trăm nghìn chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và trung cấp nghề. Nếu biết chọn lựa học sinh có thể chọn được một trường phù hợp.
Cơ hội vẫn còn cho các thí sinh trượt đại học, kể cả những em dưới điểm sàn của các khối. Ông Hà Minh Phương, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng, hiện nay xu thế học nghề đang được quan tâm và lựa chọn nhiều hơn bởi tính thiết thực của nó. Thay vì 4-5 năm theo học đại học, nhiều học sinh sẵn sàng chọn con đường học nghề hoặc vừa học việc vừa làm để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Ngay như các lớp đào tạo nghề của Tổng cục Dạy nghề, nhiều học sinh hoàn thành các lớp thợ hàn, thợ điện,... ra trường có việc làm ngay và mức thu nhập lên tới 7 – 8 triệu đồng/tháng.
Quang Hiếu (laodong.com.vn)