Bộ GD&ĐT vừa siết tuyển sinh, nhiều trường đã nói không với tuyển sinh bằng điểm học bạ
15/12/2024
Tuyển sinh đại học bằng học bạ đang tạo ra những bất cập, bất công, thiếu minh bạch trong xét tuyển đầu vào, đặc biệt ở những ngành có tỷ lệ chọi rất cao.
Một thời gian dài, việc xét tuyển bằng học bạ được xem là hình thức mà các trường dễ dàng tuyển được thí sinh để đủ chỉ tiêu. Nhưng bên cạnh sự gia tăng về số lượng người ứng tuyển thì câu chuyện chất lượng luôn đặt dấu hỏi lớn.
Không chỉ thế, xét tuyển học bạ còn gây ra tình trạng, học sinh không chịu học tập học kỳ II của lớp 12 vì đa số chỉ lấy kết quả học tập từ học kỳ I của năm lớp 12 và các năm trước.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương siết chặt tuyển sinh sớm và yêu cầu xét tuyển bằng học bạ phải bao gồm điểm tổng kết cả học kỳ II của lớp 12 cũng như việc quy đổi điểm thi giữa các phương thức xét tuyển. Với những quy định như vậy, việc xét tuyển bằng học bạ không còn là mỏ vàng để nhanh chóng lôi kéo thí sinh theo học, lấp nhanh chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường như vài năm qua.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ.
Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng không xét tuyển bằng học bạ bởi lo ngại thiếu công bằng cho các thí sinh (vì quy chuẩn thi và tính điểm ở mỗi trường THPT là khác nhau).
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024 như Y học cổ truyền tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%. Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu.
Nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025, bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức. Phương thức 1 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu). Phương thức 2 là xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 (khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 3 là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30-50% tổng chỉ tiêu). 4 tổ hợp môn xét tuyển, bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Bên cạnh việc nói không với tuyển sinh dựa và kết quả tổng kết học bạ, nhiều trường có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm học bạ hoặc bổ sung yêu cầu điểm tổng kết học bạ của toàn năm học lớp 12 vào tuyển sinh.
Có thể nói việc tuyển sinh vào học bạ tại nhiều trường học đã khiến cho việc dạy và học ở phổ thông mang màu sắc thiếu trung thực. Bảng điểm vì thế cũng đẹp hơn so với thực lực thực tế. Không ít trường hợp thi tốt nghiệp điểm dưới 5 nhưng điểm tổng kết trong học bạ lại trên 9 điểm. Do đó, bỏ học siết việc tuyển sinh bằng điểm học bạ là một trong những biện pháp cũng có sự liêm chính trong học tập và đào tạo.
Trinh Phúc
https://www.congluan.vn/bo-giao-duc-dao-tao-vua-siet-tuyen-sinh-nhieu-truong-da-noi-khong-voi-tuyen-sinh-bang-diem-hoc-ba-post325584.html