Bắt tay làm hại người học
09/11/2013
Sự việc hàng trăm thí sinh bỗng dưng trở thành sinh viên CĐ Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), rồi cũng bất ngờ bị chuyển từ bậc CĐ liên thông xuống học trung cấp là hậu quả của việc tuyển sinh chụp giật và sự tiếp tay cho việc làm sai quy chế của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Và hậu quả này chỉ có người học gánh chịu khi thời gian, tiền bạc, công sức và kỳ vọng của họ bỗng chốc tan thành mây khói.
Thông tin cá nhân của thí sinh ở mỗi kỳ thi tuyển sinh đã bị đem bán, đổi chác cho các trường để từ đó hàng loạt giấy mời nhập học được gửi tận gia đình thí sinh. Giữa những chấp chới, thất vọng khi không trúng tuyển ĐH, những giấy mời nhập học này như chiếc phao cứu sinh đối với họ. Thế nhưng chẳng may chiếc phao cứu sinh ấy là hàng dỏm, bị xì hơi và thí sinh lại phải lặn ngụp trong nỗi thất vọng vô vàn. Ai đã cung cấp cho thí sinh những chiếc phao cứu sinh dỏm đó?
Có nhiều cách để các trường ĐH không tổ chức thi tuyển có được thông tin của thí sinh như từ trường THPT, điểm tiếp nhận hồ sơ, thậm chí là sở GD-ĐT. Kỳ thi tuyển sinh năm 2013, tôi có người em dự thi vào hai trường ĐH tại TP.HCM, một được 15 điểm và một chỉ có 13 điểm. Giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh của trường 15 điểm được gửi về sở GD-ĐT địa phương và đến tay thí sinh kèm theo một thư mời nhập học của một trường ĐH tư thục tại miền Trung. Rõ ràng sau khi về sở, người ta đã kỳ công phân loại rõ ràng, giấy nào đủ điểm sàn, giấy nào không đủ để gửi kèm thư mời nhập học. Việc làm này từng rất phổ biến trong những năm trước đây, gây ra không ít phiền hà cho thí sinh. Đến nỗi năm 2012, Bộ GD-ĐT phải quy định rõ: không gửi giấy báo nhập học cho thí sinh không dự thi hay xét tuyển vào trường. Thế nhưng, những lợi ích đã đánh bật quy định của cơ quan quản lý, trường vẫn cứ gửi giấy mời nhập học và quan trọng hơn, cơ quan quản lý giáo dục địa phương lại tiếp tay cho việc làm sai trái này.
Vì sao cơ quan quản lý giáo dục địa phương lại tích cực “bán” thông tin của thí sinh hoặc lờ đi để các trường tiếp cận thông tin cá nhân của thí sinh? Nếu đó không phải là quan hệ cá nhân thì cũng liên quan đến lợi ích kinh tế. Sinh viên miền Trung vốn từ các vùng nông thôn, kinh tế còn nhiều khó khăn. Sự việc tại Trường ĐH Đông Á bị vỡ lở, hàng trăm sinh viên đang chấp chới trong nỗi thất vọng vô vàn của bản thân và gia đình. Những gánh lúa của cha, vài lứa heo của mẹ, thời gian công sức của thí sinh bỏ ra suốt năm qua giờ coi như đổ sông đổ biển. Cơ quan quản lý giáo dục một số địa phương có cảm thấy trách nhiệm của mình trong chuyện này không?
MINH GIẢNG
Nguồn tuoitre.vn