Bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia 2019: Nhiều thay đổi để tránh tiêu cực
24/06/2019
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được cả xã hội đặc biệt quan tâm vì những sai phạm chấn động ở một số tỉnh trong kỳ thi năm trước vẫn đang để lại hậu quả nặng nề. Suốt gần 1 năm qua, Bộ GD-ĐT và các địa phương dồn lực để 'bịt lỗ hổng'... kỳ thi.
Bắt đầu từ hôm nay, những quy định mới được áp dụng vào thực tiễn.
Đề thi không khó nhưng có tính ứng dụng thực tiễn
Đề thi năm trước có những phần quá khó khiến học sinh và nhà trường hoang mang. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã nhiều lần nhấn mạnh đề thi năm 2019 sẽ có điều chỉnh, chuẩn hóa, trở về đúng với mục tiêu của kỳ thi THPT hơn. Hồi tháng 1, khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đã thở phào khi đề thi không có những câu hỏi đánh đố, đặc biệt, nội dung đề thi hầu hết nằm trong chương trình lớp 12, không còn “bao gồm cả chương trình lớp 10, lớp 11 như lộ trình dự kiến”.
Ngay trước ngày thi, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, tiếp tục khẳng định Bộ GD-ĐT xác định quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và có độ phân hóa phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh (TS).
Theo ông Độ, như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp, nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần, giúp TS thuận lợi khi làm bài.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết thêm: “Hội đồng ra đề thi cũng sẽ có những hướng dẫn chấm điểm, trong đó yêu cầu TS dù trả lời theo cách thức riêng của mình nhưng cũng phải đáp ứng được những nội dung cơ bản mà câu hỏi yêu cầu. Các hình thức trình bày tuy khác nhau, nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, không phạm vào thuần phong mỹ tục sẽ được xem xét cho điểm”.
Thay đổi hoàn toàn quy trình chấm thi trắc nghiệm
Sau những sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi THPT quốc gia năm ngoái ở một số địa phương, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa quy chế thi, giao vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH thay vì các sở GD-ĐT như các năm trước.
Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm tại các hội đồng thi. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ, phối hợp lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi.
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Các phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong và bàn giao 1 bộ cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, khi sử dụng các bộ đĩa này phải báo cáo ban chỉ đạo thi quốc gia; 1 bộ đĩa gửi về Bộ để quản lý và giám sát đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ.
Trong quá trình xử lý kỹ thuật, khi mở niêm phong CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ, phải có sự giám sát của công an và tổ giám sát, lập biên bản mở niêm phong rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Tăng cường thanh tra
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết năm nay hướng dẫn công tác thanh tra thi THPT quốc gia chi tiết, cụ thể hơn so với năm trước.
Người được cử làm nhiệm vụ thanh tra, ngoài những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực..., thì hướng dẫn năm nay bổ sung quy định không cử người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật, hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Đồng thời lực lượng thanh tra năm nay cũng được tăng cường hơn rất nhiều so với năm trước. Ví dụ như năm ngoái quy định mỗi điểm thi có 2 cán bộ thanh tra cắm chốt, trong đó có 1 cán bộ của trường ĐH, thì năm nay không quy định cứng như vậy mà quy định mỗi điểm có tối thiểu 2 cán bộ thanh tra và vẫn có cán bộ của trường ĐH.
Điểm mới nữa, theo ông Bằng cũng rất đáng chú ý, là năm nay quy định trách nhiệm của cán bộ thanh tra theo hướng: “Cán bộ làm công tác thanh tra ở đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới với những sai phạm xảy ra ở đó”.
Tuệ Nguyễn
thanhnien.vn – 24/06/2019